Các công đoàn tại Pháp đã tuyên bố sẽ đưa đất nước rơi vào vào tình trạng bế tắc trước những thay đổi về chế độ hưu trí được đề xuất, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 và tăng số năm người lao động phải đóng góp để được hưởng lương hưu đầy đủ.
Laurent Berger, người đứng đầu nghiệp đoàn CFDT, nói với đài phát thanh France Inter hôm6/3: "Tôi kêu gọi tất cả nhân viên, công dân và người về hưu tại nước Pháp chống lại cải cách lương hưu hãy xuống đường và phản đối hàng loạt".
Ông nói thêm: "Tổng thống không thể làm ngơ trước các cuộc biểu tình. Ngày nay có một phong trào xã hội lớn và nó sẽ cần một phản ứng chính trị".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đặt kế hoạch cải cách hưu trí này vào trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử của mình vào năm 2022. Và nội các của ông nói rằng những thay đổi này là cần thiết để ngăn hệ thống lương hưu rơi vào tình trạng thâm hụt trong những năm tới.
Tuy nhiên, họ phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt từ cả Quốc hội Pháp và người dân, với gần 2/3 số người trên khắp nước Pháp ủng hộ các cuộc biểu tình chống lại cải cách hưu trí, theo một cuộc thăm dò của nhóm khảo sát Elabe được công bố hôm 6/3.
Từ ngày 7/3, các công đoàn đã cảnh báo, các cuộc đình công liên tục đối với hệ thống phương tiện giao thông công cộng có thể làm tê liệt giao thông của một số khu vực của nước này trong nhiều tuần liên tục.
Cảnh sát Pháp dự đoán, khoảng 1,1 đến 1,4 triệu người sẽ xuống đường hôm 7/3 tại hơn 260 địa điểm trên toàn quốc. Vào ngày diễn ra biểu tình lớn nhất cho đến nay, 1,27 triệu người đã xuống đường vào ngày 31/1, theo số liệu chính thức.
Biểu tình vào ngày 31/1 tại Paris, Pháp. (Ảnh: AP)
Các cuộc biểu tình gần đây nhất vào tháng 2 đã thu hút ít người tham gia hơn. Các công đoàn tại Pháp đã tổ chức đình công ngành năng lượng vào ngày 7/3 khi cả nước Pháp đã trở lại sau nhiều tuần nghỉ học.
Các cuộc biểu tình đã bắt đầu diễn ra vào sáng sớm 7/3. Dịch vụ thông tin đường bộ công cộng báo cáo rằng một quốc lộ ở thành phố Rennes đã bị chặn bởi khoảng 100 người biểu tình kể từ 1h sáng.
Một nhà quay phim của AFP có mặt đã mô tả một cảnh tượng căng thẳng, với khoảng 50 cảnh sát chống bạo động túc trực bên cạnh, lửa bùng lên, đồ đạc và thậm chí cả những chiếc xe đẩy mua sắm bị đốt chắn ngang đường.
Việc vận chuyển nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu trên khắp nước Pháp cũng bị chặn bởi các công nhân đình công.
Chỉ 20% số chuyến tàu cao tốc kiến sẽ hoạt động, trong khi một thành viên công đoàn hàng đầu đại diện cho các công nhân nhà máy lọc dầu đã tuyên bố sẽ khiến nền kinh tế Pháp "sụp đổ".
Các giáo viên trường học cũng tham gia biểu tình.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne vào tối thứ 6/3 cho biết, bà tôn trọng quyền biểu tình của người dân. Tuy nhiên, việc các lãnh đạo công đoàn kêu gọi mọi người biểu tình, đình công khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng là "không có trách nhiệm", vì việc này chủ yếu sẽ ảnh hưởng tới "những nhóm yếu thế nhất" trong xã hội, bà nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình France 5.
Chính phủ Pháp đã lập luận rằng những cải cách này là rất quan trọng để đưa hệ thống lương hưu của Pháp thoát khỏi tình trạng thâm hụt vào năm 2030. Và đề xuất sẽ đưa Pháp đến gần hơn với các nước láng giềng châu Âu, hầu hết trong số này quy định tuổi nghỉ hưu từ 65 trở lên.
Trong khi đó, các công đoàn lập luận rằng những cải cách được đề xuất là không công bằng và sẽ ảnh hưởng không tương xứng đến người lao động có tay nghề thấp làm các công việc nặng nhọc, những người bắt đầu đi làm sớm.
Theo khảo sát của Elabe, 56% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ đình công luân phiên. 59% cho biết họ ủng hộ lời kêu gọi đưa đất nước vào tình trạng bế tắc.
Dự luật hiện đang được tranh luận tại Thượng viện của Quốc hội Pháp, sau hai tuần tranh luận sôi nổi ở Hạ viện và kết thúc mà không đạt được một cuộc bỏ phiếu nào về việc tăng tuổi nghỉ hưu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!