Đây là cảnh báo được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra hôm 10/6.
Theo FAO, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở khu vực gần khu vực Đông, Bắc Phi do phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu, đặc biệt là lúa mì, dầu thực vật. Một số nước ở Nam sa mạc Sahara của châu Phi và ở châu Á, trong đó có Bangladesh cũng đang chịu tác động mạnh.
Nga và Ukraine đóng góp gần 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu, trong khi Nga là nhà xuất khẩu phân bón chính, còn Ukraine là nhà cung cấp dầu ngô và hướng dương.
Trước đó, trong báo cáo ra ngày 9/5, FAO cho biết, chi phí đầu vào tại các trang trại, trong đó có phân bón, đang tăng theo hình xoắn ốc, có thể cản trở người trồng trọt mở rộng sản xuất và làm trầm trọng thêm an ninh lương thực tại các nước nghèo.
Mót lúa ở Padeah, Nam Sudan. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, cùng ngày, Ủy viên phụ trách nông nghiệp của EU Janusz Wojciechowski cho biết, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đang tăng lên và hiện đạt gần 2 triệu tấn mỗi tháng.
Ba tháng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, thế giới đang đối diện với một thực tế mới. Cuộc chiến cùng với các cuộc khủng hoảng khác đang đe dọa gây ra một làn sóng đói kém chưa từng có, kéo theo sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội. Cuộc khủng hoảng lương thực năm nay là vì khó tiếp cận, năm sau có thể là thiếu lương thực.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo, hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine ngày càng trở nên tồi tệ với 1,6 tỷ người bị ảnh hưởng. Ông Guterres Guterres cho biết, Liên Hợp Quốc đang nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận trọn gói để cho phép xuất khẩu lương thực của Ukraine qua Biển Đen một cách an toàn, trong khi lương thực và phân bón của Nga cũng có thể tiếp cận thị trường toàn cầu mà không bị cản trở. Thỏa thuận này là rất cần thiết cho hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!