Tình trạng thiếu lương thực có thể gây ra mối đe dọa sức khỏe đối với thế giới tương tự như COVID-19. (Ảnh: Reuters)
Ông Peter Sands, Giám đốc điều hành của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm 7/6 rằng giá lương thực và năng lượng tăng cao, một phần do cuộc chiến ở Ukraine, có thể khiến hàng triệu người tử vong cả trực tiếp và gián tiếp.
"Hậu quả của tình trạng thiếu lương thực xảy ra theo hai cách, một là nó khiến người dân bị chết đói. Nhưng thứ hai là thực tế nhiều người thường được nuôi dưỡng kém và điều đó khiến họ dễ mắc các bệnh hơn", ông Peter Sands nói.
Theo ông Peter Sands, những nỗ lực để cải thiện khả năng chuẩn bị cho đại dịch không nên mắc phải sai lầm "kinh điển", đó là chỉ quan tâm đến chính khủng hoảng đó mà không xem xét tới những cuộc khủng hoảng có liên quan khác, tương tự như mối đe dọa gần đây nhất mà thế giới phải đối mặt.
Dù không có các triệu chứng đặc biệt như những căn bệnh, tình trạng thiếu lương thực cũng có thể gây chết người. (Ảnh: AP)
"Thiếu lương thực không được xác định rõ ràng như một số mầm bệnh hoàn toàn mới xuất hiện với các triệu chứng đặc biệt, nhưng nó cũng có thể gây chết người", ông Peter Sands nói.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng 15 triệu người có thể đã thiệt mạng do COVID-19.
Ông Sands cho biết, cần phải đầu tư để tăng cường hệ thống y tế, qua đó giúp chuẩn bị cho hậu quả của tình trạng thiếu lương thực, một phần từ khoản tài trợ của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét.
Quỹ này, có trụ sở tại Geneve, Thụy Sĩ, đang đặt mục tiêu huy động 18 tỷ USD để thúc đẩy hệ thống y tế chống lại ba căn bệnh AIDS, lao và sốt rét, đảo ngược những thất bại do đại dịch gây ra. Con số trên chỉ tăng hơn 1/3 so với con số mục tiêu cho giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!