Hoạt động dọn dẹp tại một địa điểm khai thác urani cũ gần Moab, bang Utah, Mỹ (Ảnh minh họa: Getty Images)
Dự luật cấm nhiên liệu hạt nhân của Nga đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 12/2023. Tuy nhiên, kể từ đó, dự luật này đã bị trì hoãn tại Thượng viện Mỹ. Nhà Trắng muốn cấm urani làm giàu từ Nga như một phần của chiến dịch trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo Bloomberg, các quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Năng lượng Mỹ đã thảo luận về lệnh cấm bao gồm việc miễn trừ cho phép nhập khẩu nhiên liệu urani cho đến năm 2028.
Lệnh hành pháp của Tổng thống có quyền lực tương đương với luật liên bang. Quốc hội Mỹ không thể trực tiếp đảo ngược nó nhưng có thể thông qua luật mới để vô hiệu hóa dự luật này.
Bloomberg cho biết hiện vẫn chưa có quyết định về vấn đề này được đưa ra, đồng thời giải thích rằng cả chính quyền Mỹ và ngành công nghiệp hạt nhân nước này vẫn muốn vấn đề được cơ quan lập pháp liên bang xử lý.
Nga là nhà cung cấp urani được làm giàu ở nước ngoài hàng đầu cho Mỹ, cung cấp gần 25% nhiên liệu urani được sử dụng trong các lò phản ứng của Mỹ. Số liệu thống kê chính thức cho thấy Mỹ đã nhập khẩu urani của Nga trị giá 1,2 tỷ USD vào năm 2023 - mức cao nhất từ trước đến nay, với giá trị vận chuyển urani hàng năm tăng 43%.
Nhà Trắng coi việc phát triển khả năng làm giàu urani trong nước là một vấn đề an ninh quốc gia. Đầu năm nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 2,7 tỷ USD cho mục đích này và chính quyền Tổng thống Biden kêu gọi lệnh cấm urani của Nga dài hạn.
Mỹ có trữ lượng urani riêng nhưng không đủ để cung cấp cho ngành điện hạt nhân của nước này. Trong khi đó, Nga là nơi tổ hợp làm giàu urani lớn nhất thế giới, chiếm gần một nửa công suất toàn cầu.
Theo một số ước tính, Mỹ sẽ phải mất ít nhất 5 năm đầu tư đáng kể mới có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào urani nhập khẩu từ Nga.
Mỹ thúc đẩy lệnh cấm urani của Nga VTV.vn - Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đã kêu gọi Quốc hội nước này cấm nhập urani từ Nga để hỗ trợ phát triển nhiên liệu trong nước cho các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!