Nhiều quốc gia Đông Nam Á "kỷ lục phá kỷ lục" về dịch bệnh

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 30/07/2021 12:10 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, 3 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Myanmar đã vượt qua Ấn Độ vào thời kỳ đỉnh dịch về tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân trong làn sóng COVID-19.

Những kỷ lục buồn tại Đông Nam Á

Indonesia "kỷ lục phá kỷ lục"

Indonesia đã và đang liên tiếp chứng kiến "kỷ lục phá kỷ lục". Tuần qua, lần đầu tiên nước này đã ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong do COVID-19 trong ngày. Indonesia cũng đã vượt qua Ấn Độ và Brazil về số ca mắc mới nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân Indonesia trong lúc này lại đang liều mình trước đại dịch. Vào tuần trước, nhiều người vẫn tụ tập để tham gia hoạt động tôn giáo. Trong tuần này, nhiều người dân săn lùng thuốc có tên Ivermectin với niềm tin thuốc có thể chữa khỏi COVID-19. Trong khi đó, thuốc Ivermectin mới chỉ đang trong quá trình thử nghiệm, chưa được chứng minh điều trị được các triệu chứng của COVID-19.

Malaysia vượt mốc 1 triệu ca

Malaysia đã trải qua tháng thứ 3 của lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, trong tuần qua, nước này vẫn ghi nhận kỷ lục số ca mắc mới COVID-19 và tổng số người nhiễm đã vượt mốc 1 triệu bệnh nhân.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á kỷ lục phá kỷ lục về dịch bệnh - Ảnh 1.

Hệ thống y tế tại một số nước Đông Nam Á đang bị quá tải. (Ảnh: AP)

Nguy cơ quá tải hệ thống y tế tại Thái Lan, Singapore

Thái Lan, Singapore đều đang đứng trước nguy cơ hệ thống y tế bị "vỡ trận".

Ngày 29/7, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tính theo ngày cao kỷ lục với 17.669 trường hợp và 165 người tử vong. Thủ đô Thái Lan đã phải chuyển các bệnh nhân chưa có giường tại bệnh viện về các tỉnh, dùng đến những toa tàu cho bệnh nhân nhẹ lưu trú và mở cả bệnh viện dã chiến ở 2 sân bay.

Còn tại Singapore, nơi có tỷ lệ tiêm chủng đủ liều đạt mức hơn 55% dân số, 80% số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 đã kín. Trong trường hợp số ca nhập viện tăng hơn nữa, các bệnh viện có thể phải hoãn cho nhập viện và giảm số giường dành cho bệnh khác.

Myanmar trước nguy cơ thành nước "siêu lây nhiễm"

Đáng chú ý, theo cảnh báo của đặc phái viên Liên Hợp Quốc, Myanmar có nguy cơ trở thành quốc gia "siêu lây nhiễm" COVID-19. Tốc độ lây lan COVID-19 tại nước này tăng rất nhanh, tới ngưỡng đáng báo động. Hầu hết các thành phố tại Myanmar đều thiếu oxy, thiết bị y tế và thuốc men.

Kinh nghiệm giảm tải cho hệ thống y tế

Trong thời điểm dịch căng thẳng này, điều nhận thấy rõ ràng nhất là lực lượng cứu sinh mạng cho người dân là hệ thống y tế đều bị đẩy đến giới hạn. Chính vì thế, những kinh nghiệm trong tình huống "cùng cảnh ngộ" là nguồn đáng quý để các nước tham khảo lẫn nhau. Chúng ta hãy nhìn vào trải nghiệm của Trung Quốc. Gần 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, hầu hết các ca tử vong ở Trung Quốc xảy ra ở tỉnh Hồ Bắc nói chung và tâm dịch Vũ Hán nói riêng. Một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống y tế bị quá tải nặng nề trước một loại virus mới nên địa phương này "trở tay không kịp". Do đó, nước này đã dồn sức cho việc giảm căng thẳng cho hệ thống y tế.

Mô hình bệnh viện dã chiến Tiểu Thang Sơn ở ngoại ô Bắc Kinh trong đợt dịch SARS hồi năm 2003 được nhiều địa phương Trung Quốc triển khai trong việc điều trị COVID-19. Phần lớn các địa phương ở Trung Quốc đều xây dựng và có kế hoạch xây dựng như một phương án dự phòng. Các bệnh viện quy mô lớn này xây thần tốc trong khoảng 1 tuần lễ.

Hai bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn, Lôi Thần Sơn, 2.600 giường xây cho Vũ Hán được xây chỉ trong 7 - 10 ngày. Đây là bệnh viện hoàn chỉnh để thu dung điều trị cho bệnh nhân nặng. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đánh giá, bệnh viện dã chiến là giải pháp quan trọng để giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á kỷ lục phá kỷ lục về dịch bệnh - Ảnh 2.

Trung Quốc đã dồn sức cho việc giảm căng thẳng cho hệ thống y tế. (Ảnh: AP)

Trung Quốc đã dốc toàn lực lượng chi viện với hàng trăm đội y, bác sĩ từ các tỉnh thành, trang thiết bị tốt nhất tăng cường cho Vũ Hán. Trong đó, vai trò của quân y hết sức quan trọng trong việc đẩy nhanh xây dựng, tiếp quản các bệnh viện dã chiến. Hầu hết các trung tâm thể thao, nhà thi đấu, trung tâm hội nghị đều được trưng dụng để làm bệnh viện dã chiến. Những nơi trưng dụng tại các phường, xã thường được dùng để điều trị cho bệnh nhân nhẹ. Và Trung Quốc kết hợp đông, tây y để điều trị hiệu quả cho bệnh từ nhẹ đến trung bình. Bệnh nhân từ tuyến dưới được điều trị ngay tại bệnh viện dã chiến, các trung tâm y tế địa phương đã góp phần giảm mạnh sự quá tải cho tuyến trên. Khi đủ bệnh viện, các địa phương đã đẩy mạnh xét nghiệm ngày đêm để đưa người dương tính vào nhập viện nhằm cắt đứt nguồn lây ở cộng đồng.

Sau kinh nghiệm ở Vũ Hán, các địa phương đã luôn sẵn sàng xây dựng các bệnh viện dã chiến ở ngoại ô hay có kế hoạch sẵn sàng cho kịch bản khi có số lượng bệnh tăng mạnh. Phần lớn các ca tử vong vì COVID-19 diễn ra những tháng đầu của mùa dịch tại thành phố Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung. Từ nước dẫn đầu về số ca mắc và tử vong, nay Trung Quốc đứng ở vị trí 107 trên thế giới với trên 92.800 ca mắc, hơn 4.600 người tử vong. Gần 1 năm nay, nước này không báo cáo ca tử vong nào.

Đảm bảo sinh hoạt trong thời kỳ giãn cách

Một thử thách nữa trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khi các lệnh giãn cách xã hội được áp dụng là làm thế nào để đảm bảo được các sinh hoạt đời sống tuân thủ đúng các quy định, trong khi cả lực lượng chức năng và người dân không gặp khó.

Trong thời kỳ giãn cách phòng dịch vào tháng 3, tháng 4/2020, các quy định tại Bỉ khá rõ ràng. Những quy định thường nhằm vào bên bán, là các cửa hàng, vì việc xử phạt cửa hàng dễ hơn là xử phạt từng khách hàng. Ví dụ, siêu thị thực phẩm chỉ được nhận tối đa 1 khách cho mỗi 10 m² mặt bằng bên trong; chỉ cho khách đi một mình vào siêu thị, có mang khẩu trang và đẩy xe siêu thị. Tương tự, Bỉ quy định bắt buộc các cửa hàng bán đồ không thiết yếu phải đóng cửa, trừ dược phẩm, lương thực, thực phẩm, đồ dùng vệ sinh cá nhân, báo chí và xăng dầu.

Trong thời kỳ giãn cách, các nước châu Âu hạn chế người dân đi lại, nhưng luôn nhấn mạnh không hạn chế hàng hóa lưu thông, kể cả đó là hàng không thiết yếu, qua đó đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Về quy định hạn chế đi lại, cụ thể là quy định về cho phép đi mua đồ thiết yếu, trước khi đi người dân phải tự ghi vào mẩu giấy mang theo người với nội dung ra khỏi nhà mấy giờ, ngày nào, tới cửa hàng nào. Nếu bị kiểm tra bất chợt mà không ở trên quãng đường từ nhà tới cửa hàng, không trong khoảng thời gian hợp lý đã tự khai, người đó sẽ bị phạt.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á, các nước trong khu vực đẩy mạnh tiêm vaccine Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á, các nước trong khu vực đẩy mạnh tiêm vaccine Dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục lan rộng, số ca tử vong tại Indonesia lên mức kỷ lục Dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục lan rộng, số ca tử vong tại Indonesia lên mức kỷ lục Thêm nhiều ca mắc mới và tử vong tại Đông Nam Á Thêm nhiều ca mắc mới và tử vong tại Đông Nam Á

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước