Các ca nhiễm COVID-19 đang tiếp tục tăng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và Australia, đồng thời xuất hiện nhiều biến thể mới của virus Corona.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ đến phòng cấp cứu, nhập viện và tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước này đã tăng lên trong tháng qua. Hai biến thể KP.3 và KP.2 hiện chiếm hơn một nửa tổng số ca bệnh. Ngoài ra, chúng ta đang phải đối mặt với một nhóm biến thể mới, được gọi là biến thể “FLiRT”, đang góp phần gây ra làn sóng lây nhiễm COVID gia tăng trên khắp nước Australia, chiếm 16% số ca nhiễm COVID ở Mỹ và phổ biến ở một số nước khác.
Dưới đây là những điều cần biết về các triệu chứng, xét nghiệm và cách điều trị nếu bạn bị nhiễm virus Corona:
Các triệu chứng cần chú ý
Không có bằng chứng nào cho thấy các triệu chứng của các biến thể trội mới có bất kỳ sự khác biệt nào so với các chủng virus Corona trước đây. Các triệu chứng điển hình vẫn bao gồm: hắt hơi, nghẹt mũi, đau đầu, đau nhức cơ, buồn nôn hoặc nôn.
Nhìn chung, khả năng miễn dịch của bạn càng cao nhờ tiêm vaccine hoặc bị nhiễm virus này trong quá khứ thì khả năng tái nhiễm virus lần sau của bạn sẽ càng giảm. Tuy nhiên, nếu bị tái nhiễm virus, bạn có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn những lần trước.
Khi nào cần xét nghiệm?
Các chuyên gia cho rằng, mọi người nên xét nghiệm COVID ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng hoặc sau khi tiếp xúc với người nhiễm virus này, sau đó xét nghiệm lại sau 1 hoặc 2 ngày. Nhưng nếu bạn chỉ có một số lượng hạn chế các que xét nghiệm nhanh tại nhà, hãy xét nghiệm ngay lập tức nếu bạn bị sốt và ho.
Nếu bạn có các triệu chứng khác nhưng có ít que xét nghiệm, bạn hãy đợi vài ngày hãy xét nghiệm, để giảm nguy cơ âm tính giả. Những người bị suy giảm miễn dịch, lớn tuổi hoặc có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nên xét nghiệm ngay khi cảm thấy không khỏe hoặc biết rằng họ đã tiếp xúc với người mắc COVID-19 và nên dùng Paxlovid để giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nếu bạn đã có triệu chứng trong hơn 3 ngày nhưng vẫn có kết quả xét nghiệm âm tính, ngoài khả năng bạn không bị COVID vẫn còn một khả năng nữa là bạn đang thải ra một lượng virus quá thấp để xét nghiệm nhanh có thể phát hiện. Nếu bạn đang chờ xét nghiệm, hãy nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu khả năng lây lan của virus - đeo khẩu trang ở nơi công cộng và cách ly với người khác.
Thuốc phòng ngừa và điều trị COVID
Tháng 3 vừa qua, Cục quản lý Thực phẩm và thuốc của Hoa Kỳ đã phê duyệt một loại thuốc mới dành cho những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, chẳng hạn như những người được ghép tế bào gốc hoặc nội tạng. Thuốc Pemgarda là một loại kháng thể đơn dòng có thể được dùng như một biện pháp phòng ngừa trước khi mọi người mắc virus.
Những người từ 12 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm dương tính có thể dùng Paxlovid trong vòng 5 ngày kể từ khi phát triển các triệu chứng. Thuốc này ngăn chặn virus nhân lên trong cơ thể và làm giảm nguy cơ tử vong cho những người dễ mắc bệnh nặng hơn. Các chuyên gia cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy Paxlovid kém hiệu quả hơn đối với các biến thể hàng đầu hiện tại so với các chủng virus trước đây. Các nhà khoa học vẫn đang tranh luận liệu Paxlovid có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID kéo dài hay không.
Có hai phương pháp điều trị kháng virus khác mà bác sĩ không sử dụng thường xuyên là remdesivir (hay Veklury) - được truyền tĩnh mạch cho người lớn và trẻ em, và molnupiravir - được gọi là Lagevrio, là một loại thuốc viên có thể được sử dụng để giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng ở người lớn.
Các bác sĩ khuyên bạn nên nghỉ ngơi nhiều nhất có thể khi bị bệnh. Nếu bạn muốn, có thể hoạt động nhẹ nhàng, không nên vận động mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!