Đây là kết quả một nghiên cứu được công bố hôm qua của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo nghiên cứu của WHO, đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm xuống còn 71,4 tuổi, tương đương mức của năm 2012. Tuổi thọ khỏe mạnh trung bình cũng đã giảm 1,5 năm xuống còn 61,9 tuổi vào năm 2021, cũng bằng mức của năm 2012.
Trong đó, Mỹ và Đông Nam Á là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tuổi thọ giảm khoảng 3 năm.
Các nhà khoa học cho biết COVID-19 có tác động sâu sắc hơn đến tuổi thọ so với bất kỳ sự kiện nào khác trong nửa thế kỷ qua.
Trùng khớp với nghiên cứu của WHO, hồi tháng 3 năm nay, Nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (Mỹ) cũng phát hiện mức giảm tuổi thọ trung bình khoảng 1,6 năm của dân số thế giới do đại dịch COVID-19.
"Đối với người trưởng thành trên toàn thế giới, đại dịch COVID-19 đã có tác động sâu sắc hơn bất kỳ sự kiện nào xảy ra trong nửa thế kỷ qua, bao gồm cả xung đột và thiên tai", theo nhà nghiên cứu Austin Schumacher tại IHME và là tác giả dẫn đầu nghiên cứu đăng trên chuyên san The Lancet.
Ông cho biết trong giai đoạn 2020 - 2021, tuổi thọ đã giảm tại 84% trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích, "chứng tỏ những tác động tiềm tàng mang tính tàn khốc" của các loại virus mới.
Các nhà nghiên cứu ước tính tỷ lệ tử vong ở những người trên 15 tuổi tăng 22% đối với nam và 17% đối với nữ trong thời gian này. Trong đó, Mexico City (Mexico), Peru và Bolivia là một số nơi có tuổi thọ trung bình giảm nhiều nhất.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 14,9 triệu người trong năm 2020 - 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!