Cuộc trưng cầu dân ý vào ngày mai không chỉ quan trọng với nước Anh mà với cả Liên minh châu Âu và NATO. Nếu đa số cử tri Scotland ủng hộ độc lập thì đây sẽ là cơn địa chấn, kéo theo nhiều hậu quả mà lúc này khó có thể lường hết.
Scotland là một trong bốn vùng đất tạo nên Liên hiệp Vương quốc Anh. Ba vùng còn lại gồm: Anh, xứ Wales, và Bắc Ireland. Scotland gia nhập Liên hiệp Anh từ năm 1707. Suốt ba thế kỷ, xu hướng đòi tách ra khỏi nước Anh vẫn luôn ít nhiều tồn tại. Xu hướng này đã phát triển mạnh mẽ từ ba năm nay, khi đảng Dân tộc Scotland giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện Scotland.
Ông Nicolas Willems, Bình luận viên quốc tế Đài RTBF nhận định: “Cuộc trưng cầu là kết quả của một quá trình kéo dài từ hàng chục năm nay. Người dân Scotland có ý muốn tách ra, để được tự chủ về chính trị, được hưởng trọn nguồn lợi từ dầu mỏ và để có một chính sách xã hội theo hướng nhà nước phúc lợi”.
Nếu Scotland trở thành quốc gia độc lập thì 5,3 triệu dân Scotland sẽ có thu nhập bình quân đứng thứ 14 trên thế giới, trên cả Pháp và Anh. Đối với nước Anh, nếu mất Scotland thì không chỉ mất đi 10% tổng thu nhập quốc nội GDP, mà còn mất 90% thềm lục địa bao quanh ba mặt Scotland - nơi Vương quốc Anh đang khai thác dầu.
Ông Nicolas Willems, Bình luận viên quốc tế Đài RTBF cho biết thêm: “Hậu quả kinh tế sẽ rất lớn. Ngành kinh tế mạnh nhất của Anh là dịch vụ tài chính, tiếp đó là dầu khí, mà phần lớn dầu khí là từ vùng biển Scotland. Nếu Scotland tách ra thì tiền thu được từ dầu khí sẽ vào túi người Scotland. Tiếp nữa là nguồn lợi từ đánh cá, vì các vùng biển nhiều cá đều thuộc về Scotland”.
Toàn bộ vũ khí hạt nhân của Anh đều được đặt trên đất Scotland. Nếu đa số cử tri Scotland đồng ý đòi độc lập thì nước Anh buộc phải di chuyển toàn bộ bốn tàu ngầm nguyên tử và các vũ khí hạt nhân từ căn cứ hải quân Fasland về phía Nam. Chi phí ước tính, 3,5 tỷ Bảng Anh.
Mời quý vị theo dõi phóng sự do nhóm PV Đài THVN tại châu Âu thực hiện: