Đến nay, hơn 427,52 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 80,17 triệu ca mắc và hơn 961.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 20.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch ngày càng tăng trong năm đầu tiên sau khi mắc COVID-19, ngay cả khi người bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Medicine. Nghiên cứu dựa trên số liệu y tế của hơn 153.000 người ở Mỹ. Nhiều chuyên gia và các nhóm bảo vệ bệnh nhân đang kêu gọi các nhà lãnh đạo có sự thay đổi toàn diện trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu là nhằm tăng hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và điều trị, hỗ trợ cho những người không thể tiếp tục làm việc, cũng như xử lý các hậu quả về xã hội và tâm lý của người bệnh trong nhiều thập kỷ tới.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 22/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,85 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 512.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Vaccine ngừa COVID-19 mang tên Corbevax do các nhà khoa học Ấn độ tự phát triển đã chính thức được nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp cho nhóm tuổi từ 12 - 18. Như vậy, đây là loại vaccine thứ ba được Ấn Dộ cấp phép tiêm cho nhóm tuổi này, bên cạnh vaccine ZyCoV-D và vaccine Covaxin đều do Ấn Độ sản xuất. Đến nay, Ấn Độ mới chỉ bắt đầu tiêm cho trẻ từ 15 tuổi trở lên. Theo số liệu chính thức của Chính phủ nước này, hơn 76 triệu trẻ em từ 15-17 tuổi đã được tiêm chủng, chủ yếu bằng vaccine Covaxin.
Theo nghiên cứu đăng trên trang newindianexpress.com, sự kết hợp giữa tiêm vaccine phòng COVID-19 và triệu chứng nhẹ ở những người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã dẫn đến có rất ít bệnh nhân bị các triệu chứng hậu COVID-19 trong làn sóng dịch bệnh mới nhất tại Ấn Độ.
Kể cả đối với những người có triệu chứng, các biểu hiện này cũng ít nghiêm trọng hơn so với hai làn sóng đầu tiên của đại dịch. Các triệu chứng hậu COVID-19 được ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh thứ ba tại Ấn Độ bao gồm ho, khó thở nhẹ, mệt mỏi, đau họng, đau cơ, đau đầu, rụng tóc… Kết luận này đã được các bác sĩ đưa ra sau thời gian dài theo dõi các bệnh nhân tại Ấn Độ.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 644.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 28,25 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố kế hoạch sống chung với COVID-19 của Chính phủ nước này, theo đó mọi biện pháp hạn chế phòng dịch gồm yêu cầu tự cách ly đối với người mắc COVID-19 sẽ được dỡ bỏ tại vùng England từ ngày 24/2. Theo đó, quy định bắt buộc phải tự cách ly sẽ hết hiệu lực từ ngày 24/2. Tuy nhiên, những người này vẫn được khuyến cáo nên tự cách ly trong 5 ngày và tránh tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương.
Từ ngày 24/2, Chính phủ Anh cũng sẽ chấm dứt việc truy vết tiếp xúc thông thường và không yêu cầu những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 phải xét nghiệm hàng ngày trong 7 ngày nếu như họ đã tiêm chủng đầy đủ. Từ ngày 1/4, Chính phủ Anh hủy bỏ yêu cầu hộ chiếu vaccine, tuy nhiên vẫn để ngỏ khả năng áp dụng quy định này cho các doanh nghiệp, rạp hát và những địa điểm công cộng khác.
Anh sẽ dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch từ ngày 24/2. (Ảnh: AP)
Các chuyên gia thuộc Cơ quan Nghiên cứu khoa học quốc gia Australia mới đây đã phát triển thành công phương pháp bảo quản vaccine mà không cần để lạnh. Trong nghiên cứu được công bố vào ngày 22/2, nhóm chuyên gia tại Australia phát hiện ra rằng, việc bọc vaccine sống giảm độc lực trong các khuôn tinh thể hữu cơ sẽ có thể giúp bảo quản nguyên trạng vaccine tối đa 12 tuần ở nhiệt độ lên đến 37°C. Hiện tại, nếu không được bảo quản trong tủ lạnh, vaccine sẽ chỉ duy trì nguyên trạng trong vài ngày.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm có ít nhất 50% lượng vaccine sản xuất trên toàn cầu bị lãng phí vì những khó khăn trong vận chuyển và điều kiện bảo quản.
Tại Đông Nam Á, Chính phủ Indonesia cho biết đang xem xét chính sách miễn cách ly với du khách nước ngoài từ tháng 4 tới. Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia được giao rà soát, soạn thảo các hướng dẫn liên quan quy định này. Chính phủ Indonesia sẽ căn cứ vào các dữ liệu y tế và khoa học để quyết định chính sách trên, đồng thời vẫn duy trì cảnh giác về nguy cơ lây lan của các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Chính sách nhập cảnh không cần cách ly được xem là một trong những động lực thúc đẩy phục hồi của hoạt động lữ hành quốc tế của Indonesia, mục tiêu là thu hút từ 1,8 đến 3,6 triệu lượt khách quốc tế vào năm nay, thấp hơn mức 4 triệu lượt vào năm 2020. Trước đó, từ tháng 2, Indonesia đã mở cửa biên giới cho du khách tới Bali, Batam và Binta, nỗ lực tái kích hoạt các chuyến bay quốc tế, triển khai chương trình bong bóng du lịch với các nước.
Indonesia đã đưa ra dự báo, làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay do biến thể Omicron dự kiến đạt đỉnh trong ba tuần tới, tức là khoảng giữa tháng 3/2022 Bộ trưởng Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia cho biết, các địa phương bên ngoài đảo Java và Bali đông dân hiện chiếm 23% số bệnh nhân mắc COVID-19 đang được chữa trị hoặc tự cách ly tại nhà. Mặc dù số ca mắc mới tăng mạnh, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, đang ở mức 38% trên toàn quốc. Trong khi đó, công suất sử dụng giường trong các khu cách ly tập trung mới chỉ ở mức gần 6%.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia cho biết, dịch bệnh tại một số tỉnh, trong đó có Jakarta, Benten và Bali, đã ghi nhận xu hướng giảm trong 7 ngày qua
Bộ Y tế Thái Lan đã nâng cảnh báo COVID-19 lên cấp độ 4, ngay sát mức cao nhất, sau khi có sự gia tăng mạnh các ca mắc biến thể Omicron trên toàn quốc. Với thông báo mới nhất, cảnh báo cấp độ 4 sẽ được áp dụng cho tất cả các tỉnh thành trên toàn Thái Lan. Theo cảnh báo mới, người dân được khuyến khích làm việc tại nhà, tránh đi lại liên tỉnh không cần thiết, tạm dừng các chuyến đi nước ngoài, đóng cửa những địa điểm có nguy cơ và tránh tụ tập đông người. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới, ca nặng và các trường hợp tử vong tiếp tục gia tăng.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang một lần nữa chuẩn bị những bệnh viện dã chiến trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc đang gia tăng do biến thể Omicron. Các bệnh viện dã chiến đã cung cấp khoảng 7.000 giường bệnh khi mở cửa để giảm bớt khối lượng công việc cho các bệnh viện công và tư hồi năm 2021. Các lực lượng vũ trang sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Thái Lan về ngày mở lại các cơ sở y tế quân sự.
Quyết định được đưa ra khi số ca COVID-19 hàng ngày ở Thái Lan tăng lên ở mức hơn 18.000 ca trong 3 ngày liên tiếp. Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul khẳng định, nước này sẽ không áp đặt phong tỏa, bất chấp việc nâng cảnh báo COVID-19 trên toàn quốc.
Thái Lan đã nâng cảnh báo COVID-19 lên mức 4 trong thang cảnh báo 5 cấp độ. (Ảnh: AP)
Ngày 22/2, Thái Lan thông báo ghi nhận thêm 18.363 ca mắc mới COVID-19 cùng 35 trường hợp tử vong. Tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay ở Thái Lan là trên 2,74 triệu trường hợp, trong đó có 22.691 người không qua khỏi.
Theo Viện Sức khỏe trẻ em quốc gia Hoàng hậu Sirikit (QSNICH) của Thái Lan, số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện này đang ngày một gia tăng, buộc bệnh viện phải khuyến nghị cách ly tại nhà đối với những trẻ có biểu hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Trong nửa đầu tháng 2 này, số trẻ em nhập viện do mắc COVID-19 đã tăng 30% so với tháng 1. Hiện hơn 80% số giường dành để điều trị bệnh nhi hiện đã được sử dụng. Số trẻ nhập viện gia tăng vì nhiều trẻ chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và bị nhiễm biến thể Omicron tại trường học. Hiện các bệnh viện đang ưu tiên điều trị cho những trẻ dưới 1 tuổi và mắc bệnh lý nền.
Trong phát biểu đưa ra ngày 22/2, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định chủ trương không phong tỏa thủ đô và các tỉnh như năm 2021. Ông nói: "Sẽ không có việc phong tỏa thành phố, phong tỏa đất nước. Tôi không thực hiện bất kỳ biện pháp đóng cửa nào nhằm tránh để xảy ra tình trạng hỗn loạn, khan hiếm hàng hóa”.
Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, ngày 22/2, nước này đã phát hiện 598 ca lây nhiễm biến thể Omicron và 2 trường hợp tử vong, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đạt 89,99% trên tổng số 16 triệu người dân nước này.
Bộ Y tế Lào ngày 22/2 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 140 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca mắc mới thấp nhất mà Lào ghi nhận trong nhiều tháng qua. Theo Bộ Y tế Lào, tính tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 141.441 ca mắc COVID-19 và 613 người tử vong do dịch bệnh này. Mặc dù số ca mắc mới giảm xuống mức thấp, giới chức y tế Lào vẫn tỏ ra thận trọng và kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho đến khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn nữa.
Giới chức Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, họ tìm thấy virus COVID-19 trong các mẫu bao bì đóng gói thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Brazil và da lợn đông lạnh từ Ba Lan. Hong Kong đã rà soát COVID-19 đối với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ giữa năm 2020 và phát hiện các mẫu dương tính trên bao bì cá chim vào tháng 8/2021 và trên bao bì mực nang vào tháng 11/2021.
Số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày ở trung tâm tài chính toàn cầu này đã tăng mạnh từ đầu năm nay 2022 đến nay, đạt kỷ lục 7.533 trường hợp vào ngày 21/2, khiến năng lực xét nghiệm, các bệnh viện và công tác kiểm dịch của chính quyền Hong Kong gặp áp lực nặng nề.
Bloomberg dẫn cảnh báo của bà Karen Grepin, Giáo sư Đại học Hong Kong, người cao tuổi từ chối tiêm vaccine được ví như "quả bom nổ chậm", khiến dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn tại Hong Kong. Chuyên gia y tế này cũng cảnh báo về tâm lý ngại tiêm chủng ở người cao tuổi.
Hiện tại chỉ có 43% người từ 80 tuổi trở lên tại Hong Kong (Trung Quốc) được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Số liệu của Đại học Hong Kong cho thấy, người cao tuổi chiếm phần lớn trong số hơn 300 ca tử vong vì COVID-19 tại đặc khu hành chính trong đợt dịch này. Ngày 21/2, Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận hơn 7.500 ca mắc mới COVID-19. Thành phố đang đối phó với làn sóng COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!