Hơn 592,73 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 94,34 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,06 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 11/8, nước này có tổng cộng trên 44,2 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 526.800 trường hợp thiệt mạngsau khi ghi nhận thêm 16.299 ca mắc mới COVID-19 trong ngày qua tại quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ đã bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 khi số ca nhiễm tăng nhanh. Các ca mắc mới chủ yếu là những người không tuân thủ các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách, sát khuẩn. Tỷ lệ dương tính tại bệnh viện lớn nhất thủ đô New Delhi đã tăng lên 15%. Giới chức y tế Ấn Độ cảnh báo người dân cần cẩn trọng.
Riêng thủ đô New Delhi báo cáo 2.146 ca mắc mới và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua, mức cao nhất trong số các bang và các vùng lãnh thổ liên bang của Ấn Độ. New Delhi sẽ tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong bối cảnh nước này đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong 2 tuần qua. Theo sắc lệnh của Chính phủ Ấn Độ, những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng tại thủ đô sẽ bị phạt 500 rupee (6 USD). Hiện nay, việc đeo khẩu trang thường không phổ biến ngay cả ở các trung tâm mua sắm và khu chợ đông đúc.
Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 153.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,16 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc COVID-19 trên thế giới đã tăng 3% trong một tuần qua, trong đó tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở khu vực Tây Thái Bình Dương (29%), trong khi tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận ở châu Phi (-46%).
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) dự định vào mùa thu tới sẽ cấp phép cho một vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech có thể phòng 2 biến thể dòng phụ siêu lây nhiễm của Omicron. Biến thể BA.4 và BA.5 đang gây ra làn sóng lây nhiễm mới nhất ở châu Âu và Mỹ, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch chưa thể sớm kết thúc. EMA cho biết đã khởi động một phiên bản cập nhật vaccine của Pfizer nhắm vào hai biến thể trên. Được biết, các biến thể này lây lan mạnh hơn và có khả năng né tránh hệ miễn dịch tốt hơn các biến thể trước đó.
Không chỉ có COVID-19, đậu mùa khỉ cũng đang là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới. Mối lo dịch đậu mùa khỉ chồng dịch COVID-19 đang là chủ đề nhận được quan tâm lớn ở châu Âu, khi đây là khu vực chiếm phần lớn số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, trong khi các làn sóng COVID-19 vẫn có khả năng mạnh lên do những đột biến của virus SARS-CoV-2.
Chủng kết hợp giữa hai biến thể Omicron và Delta đã được phát hiện tại Nga. (Ảnh: AP)
Tại Nga, Ban phòng chống COVID-19 liên bang ngày 11/8 cho biết, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 25.815 ca nhiễm mới, tăng so với 23.771 trường hợp một ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 25/3 đến nay, Nga ghi nhận hơn 25.000 ca mắc mới theo ngày. Kể từ khi đại dịch bùng phát tại Nga, nước này ghi nhận tổng cộng trên 18,79 triệu người mắc COVID-19.
Trong ngày qua, số người tử vong vì COVID-19 tại Nga là 52 ca, giảm so với 56 ca của một ngày trước đó, đưa tổng số người không qua khỏi vì COVID-19 lên 382.954. Số bệnh nhân được xuất viện ghi nhận trong ngày 11/8 là 14.221 trường hợp, giảm so với 14.552 người một ngày trước đó, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 18.089.941.
Các nhà khoa học đã phát hiện tại Nga chủng kết hợp giữa hai biến thể Omicron và Delta của virus SARS-CoV-2, đồng thời cho biết cần nghiên cứu thêm về mức độ nguy hiểm của chủng này. Chủng virus trên đã được tìm thấy trong các dữ liệu gene mới nhất từ thành phố St.Petersburg (Nga) trong tháng 7. Cơ quan liên bang giám sát việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phúc lợi con người (Rospotrebnadzor) ngày 11/8 cho biết, trong dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về trình tự gene virus SARS-CoV-2 (VGARus) có 6 trình tự bộ gene lai tạo giữa chủng Delta và Omicron (Deltacron), trong đó 5 mẫu được phát hiện ở thành phố Saint-Petersburg, 1 mẫu ở Moscow. hiện các bệnh nhân nhiễm chủng mới này đều ở thể nhẹ, không phải nhập viện. Theo các nhà chức trách Nga, chưa có cơ sở để cho rằng biến thể lai này sẽ dẫn đến một bệnh nặng hơn hoặc dễ lây truyền hơn.
Theo nhà di truyền học Dmitry Pruss, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mọi thứ và chắc chắn đây là một chủng virus lai chứ không phải sản phẩm sai sót trong phòng thí nghiệm. Ông Pruss cho biết, chủng virus kết hợp giữa hai biến thể Omicron và Delta là rất hiếm vì biến thể Delta gần như đã biến mất hoàn toàn. Các nhà khoa học cho rằng, sự xuất hiện của những chủng kết hợp như vậy là hoàn toàn có thể xảy ra với tỷ lệ dân số nhiễm bệnh cao và còn quá sớm để nói về các đặc tính của chủng virus mới.
Các nhà dịch tễ học Nga đã nói về sự khởi đầu của một làn sóng covid-19 mới và sự cần thiết quay trở lại các biện pháp phòng chống dịch.
Bộ Y tế Malaysia thông báo, nước này ghi nhận 4.896 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm trên toàn quốc lên hơn 4,7 triệu trường hợp. Trong số ca mắc mới có 2 hành khách nhập cảnh. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng thêm 12 ca, đưa tổng số lên 36.056 bệnh nhân.
Ngoài ra, Malaysia có thêm 2.979 bệnh nhân COVID-19 hồi phục, nâng tổng số người được chữa khỏi và xuất viện lên 4.638.716 người. Hiện Malaysia còn 44.622 ca dương tính với COVID-19, trong đó 68 bệnh nhân nặng phải chăm sóc đặc biệt và 37 ca cần được hỗ trợ thở. Cho đến nay, 86% dân số Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, 84,1% đã hoàn thành 2 mũi cơ bản, 49,6% đã tiêm mũi 3 và 1,2% đã tiêm mũi 4.
Nhật Bản vào ngày 10/8 ghi nhận hơn 250.000 ca mắc mới COVID-19, vượt qua mức 249.000 người được ghi nhận hôm 3/8 vừa qua. Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, trên cả nước đã có thêm 251 ca tử vong vì căn bệnh này. Con số này vào ngày 11/8 là 243.104, cùng với 248 người tử vong do COVID-19.
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Nhật Bản chủ yếu do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh. Đã có 20 trong tổng số 47 tỉnh thành ở nước này ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao chưa từng có, đứng đầu là thủ đô Tokyo, tiếp đó là 2 tỉnh Osaka và Aichi.
Trong ngày qua, Hàn Quốc ghi nhận hơn 137.000 ca mắc mới COVID-19. Số ca xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng cũng đang gia tăng. Liên tiếp những ngày qua, Hàn Quốc ghi nhận số người nhiễm ở mức trên 130.000 trường hợp, trong khi trung bình một tuần trước số ca mắc mới ở mức 90.000 ca/ngày.
Số ca mắc mới COVID-19 tăng ở Hàn Quốc. (Ảnh: AP)
Cụ thể, ngày 11/8, Hàn Quốc ghi nhận 137.241 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 522 trường hợp nhập cảnh, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 20.983.169. Hiện 87% dân số Hàn Quốc đã tiêm các mũi cơ bản phòng COVID-19, 65,3% đã tiêm mũi 3 và 12,2% đã tiêm mũi 4.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại nước này. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đã không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào trong suốt hơn một tuần qua.
Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un đã ra lệnh dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch ở cấp độ cao nhất. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, Triều Tiên phải duy trì hàng rào chống dịch mạnh mẽ cho đến khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này chấm dứt.
Cách đây 3 tháng, Triều Tiên thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên và sau đó thực hiện phong tỏa toàn quốc. Số ca sốt được ghi nhận hàng ngày ở Triều Tiên đạt đỉnh vào ngày 15/5 với hơn 390.000 ca, và đến ngày 29/7 thì không còn ghi nhận ca sốt nào.
Giới chức Trung Quốc nhận định, tình hình gia tăng COVID-19 ở các nước láng giềng khiến các nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh của nước này đang đối diện áp lực ngày càng lớn.Chín tỉnh tại Trung Quốc đã ghi nhận trên 100 ca mắc mới COVID-19 kể từ tháng 8 năm nay, trong đó tỉnh Hải Nam có hơn 2.000 ca. Nhiều thành phố của Trung Quốc trong ngày 11/8 đã áp đặt các hạn chế mới như cấm người dân rời khỏi khu dân cư nếu không có lý do chính đáng.
Ngày 11/8, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 614 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có 559 trường hợp tại tỉnh Hải Nam. Ngoài ra, có 1.379 người mắc mới không triệu chứng.
Bắt đầu từ ngày 15/8 tới, tất cả hành khách đến Đài Loan (Trung Quốc) sẽ không cần phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính được thực hiện trong vòng 2 ngày trước khi đến. Cơ quan Giám sát dịch bệnh Đài Loan đã đưa ra thông báo trên và cho biết, hành khách sau khi đến vùng lãnh thổ này vẫn phải cách ly 3 ngày và 4 ngày tự phòng dịch.
Đài Loan đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó sau khi dịch bệnh lắng dịu. Kể từ tháng 6, Đài Loan đã rút ngắn thời gian cách ly đối với hành khách nhập cảnh từ 7 ngày xuống 3 ngày.
Theo số liệu công bố vào ngày 11/8 của cơ quan trên, trong 24 giờ qua, Đài Loan ghi nhận 900 ca nhiễm mới trong cộng đồng và 44 ca tử vong vì COVID-19. Hiện tổng số ca bệnh tại Đài Loan là trên 4,8 triệu người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!