Hơn 201,5 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 36,2 triệu ca mắc và hơn 631.700 trường hợp tử vong. Ngày 5/8, Mỹ ghi nhận thêm hơn 85.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mỹ đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong 6 tháng qua với hơn 100.000 trường hợp được công bố ngày 4/8, trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành ở những khu vực có nhiều người chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Tính đến hết ngày 4/8, số ca mắc trung bình trong 7 ngày trên toàn nước Mỹ là hơn 94.819, tăng gấp 5 lần chỉ trong chưa đầy một tháng. Trong tuần qua, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Mỹ tăng 33%, với mức trung bình khoảng 377 người tử vong/ngày.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố dự báo tổng hợp, trong đó cho rằng, trong 4 tuần tới, số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở nước này có thể sẽ tăng lên. Theo CDC, trong tuần kết thúc vào ngày 28/8 tới, Mỹ có thể ghi nhận từ 350.000 - 1.800.000 người nhiễm mới, trong đó khoảng từ 6.700 - 24.000 trường hợp phải nhập viện và khoảng từ 2.300 - 9.100 bệnh nhân tử vong mới. CDC cho rằng, trong những tuần gần đây, nhiều ca nhiễm mới được thông báo nằm ngoài dự báo của cơ quan này, điều này cho thấy dự báo có thể chưa tính đến toàn bộ các yếu tố phát sinh. Do đó, việc dự báo số ca nhiễm mới trong những tuần tới cần phải giải thích rõ ràng, thận trọng.
Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, cảnh báo, số ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể tăng gấp đôi, lên 200.000 trường hợp/ngày vào mùa thu tới trong bối cảnh số người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn ở mức cao.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, ngày 5/8, Chính phủ nước này thông báo thêm 45.000 người mắc mới, nâng tổng số lên hơn 31,8 triệu ca kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này hồi tháng 1/2020. Số ca tử vong tại Ấn Độ cũng tăng lên 426.785 bệnh nhân sau khi có thêm 464 người không qua khỏi. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các bang và vùng lãnh thổ cân nhắc áp đặt những biện pháp hạn chế ở mỗi địa phương nhằm kiềm chế dịch bệnh.
Brazil là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Ấn Độ với hơn 20 triệu người nhiễm bệnh ở nước này. Brazil cũng là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 2 toàn cầu sau Mỹ với 559.715 bệnh nhân không qua khỏi.
Biến thể Delta vẫn đang lây lan và chiếm đến gần 70% các ca nhiễm COVID-19 tại Nga trong 3 tuần trở lại đây. Chính quyền Nga đặt ra nhiệm vụ chính là tỷ lệ tiêm phòng bao phủ dân số, lúc này không còn là 60% mà phải đạt ít nhất 80% trước tháng 11 năm nay. Theo Bộ Y tế Nga, hơn 98% số ca nhiễm COVID-19 phải nhập viện là những người chưa tiêm phòng, cho thấy vaccine đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn có người cho rằng, tiêm vaccine là vô ích vì vẫn có thể nhiễm bệnh.
Ở thời điểm này, Nga đã có hơn 26 triệu người được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, hơn 37 triệu người được tiêm ít nhất một mũi tiêm. Đến nay, Nga vẫn đang là điểm nóng dịch COVID-19 lớn thứ tư thế giới với gần 6,4 triệu người mắc và hơn 162.500 trường hợp tử vong.
Hơn 98% số ca nhiễm COVID-19 phải nhập viện ở Nga là người chưa tiêm phòng (Ảnh: AP)
Ngày 5/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, người cao tuổi và người có nguy cơ cao mắc COVID-19 có thể sẽ cần phải tiêm mũi vaccine thứ ba. Trên tài khoản Instagram cá nhân, Tổng thống Macron cho biết, Pháp có kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều tăng cường kể từ tháng 9 tới. Hiện Pháp đang nỗ lực ứng phó với làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ tư. Cho đến nay, nước này ghi nhận hơn 6,2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 112.000 người thiệt mạng.
Pháp sẽ thiết lập một cơ chế cấp "giấy thông hành y tế", qua đó cho phép du khách nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh vào Pháp từ đầu tháng 8 này. Dự kiến từ ngày 9/8 tới, du khách nước ngoài tới đây có thể bắt đầu được cấp "giấy thông hành y tế" theo mô hình tương tự áp dụng cho công dân Pháp sống bên ngoài lãnh thổ nước này. Trước đó, Chính phủ Pháp đã thành lập trung tâm hỗ trợ ở thủ đô Paris nhằm cung cấp "thẻ y tế đặc biệt" cho những người Pháp sống bên ngoài EU đã tiêm chủng. Chỉ trong 3 ngày đầu, trung tâm này đã cấp khoảng 4.500 mã QR và đến nay đã nhận được khoảng 20.000 yêu cầu.
Tại Australia, chính quyền bang Victoria thông báo áp đặt lệnh phong tỏa trong 6 tuần để phòng dịch, trong khi bang New South Wales công bố số ca mắc mới cao kỷ lục vào ngày 5/8.
Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews cho biết, bang này bắt đầu lệnh phong tỏa từ 20h (tức 17h giờ Việt Nam) ngày 5/8. Theo đó, hơn 50% trong tổng số 25 triệu dân Australia sẽ lại sống trong cảnh phong tỏa chỉ hơn 1 tuần sau khi lệnh phong tỏa gần đây được dỡ bỏ. Trong khi đó, bang New South Wales ghi nhận thêm 262 ca mắc, con số trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch. Giới chức y tế cho biết, đa số các ca mắc mới tập trung tại thành phố Sydney. Tuy nhiên, một số ca mắc mới xuất hiện tại những khu vực khác của bang, buộc Thủ hiến Gladys Berejiklian mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế sang các vùng phụ cận của Sydney.
Ngày 5/8, Malaysia ghi nhận 20.596 người nhiễm mới COVID-19. Đây là lần đầu tiên số người mắc mới trong ngày tại nước này vượt mốc 20.000 ca, mức cao nhất từ trước tới nay. Tới nay, Malaysia có tổng cộng trên 1,2 triệu ca mắc COVID-19. Số bệnh nhân nhiễm mới COVID-19 đã gia tăng nhanh chóng ở Malaysia trong những tuần gần đây. Kể từ giữa tháng 7 tới nay, số ca nhiễm mới mỗi ngày chưa ngày nào giảm xuống dưới mốc 10.000 ca.
Với dân số gần 32 triệu người, hiện Malaysia đã tiêm được hơn 22 triệu liều vaccine COVID-19, hơn 7,4 triệu người được tiêm chủng đầy đủ.
Indonesia ngày 5/8 đã ghi nhận 35.764 trường hợp nhiễm mới, cũng là con số cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Sau khi ghi nhận 1.739 ca tử vong mới được công bố trong ngày 5/8, tổng số cư dân thiệt mạng do COVID-19 tại Indonesia đã lên tới 102.375 ca. Trong đó, hơn 1/3 số ca tử vong trên được ghi nhận chỉ trong tháng 7, khi biến thể Delta lan rộng ra hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều trường hợp tử vong là do điều trị muộn vì các cơ sở y tế chỉ có thể tiếp nhận những bệnh nhân có biểu hiện nặng. Hiện nay, 8% dân số Indonesia là được tiêm chủng đầy đủ.
Theo số liệu báo cáo mới của Bộ Y tế Indonesia, tại thủ đô Jakarta, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nhóm người chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao hơn so với nhóm đã tiêm chủng. Báo cáo công bố vào ngày 5/8 cho thấy, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở những người chưa tiêm chủng là 15,5%, trong khi tỷ lệ này ở người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine của Sinofarm hoặc AstraZeneca là 4,1%.
Do sự lây lan của biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, Indonesia đang là điểm nóng dịch bệnh tại châu Á với tổng số ca mắc COVID-19 hiện đã vượt 3,5 triệu ca. Tại Indonesia, Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ cho biết, số ca nhiễm biến thể Delta đang chiếm phần lớn các ca mắc mới với gần 76%.
Lo ngại dịch bệnh lan rộng, hàng nghìn người đã đổ về các điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại vùng thủ đô Manila, Philippines, gây nên tình trạng hỗn loạn và quá tải. Hình ảnh được hãng tin Reuters đăng tải cho thấy, từ bên ngoài khuôn viên cho đến bên trong khu vực tiêm chủng, hàng dài người đứng chen chúc nhau và không đảm bảo giãn cách an toàn chống dịch. Số người muốn tiêm vaccine tăng vọt trong bối cảnh giới chức nước này chuẩn bị đóng cửa toàn bộ vùng thủ đô Manila. Mọi hoạt động đi lại không thiết yếu sẽ bị hạn chế. Quy định sẽ ảnh hưởng tới khoảng 13 triệu người. Trong 1 tuần trở lại đây, Philippines ghi nhận khoảng 8.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày.
Chính phủ Campuchia đang xem xét điều chỉnh quy định cách ly bắt buộc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, người làm ăn kinh doanh và chủ doanh nghiệp đi lại nhằm khôi phục nền kinh tế đang điêu đứng do dịch COVID-19. Động thái trên được đưa ra sau khi khu vực tư nhân bày tỏ quan ngại về việc cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài, chủ doanh nghiệp và du khách đến Campuchia.
Đến ngày 5/8, tổng số người mắc COVID-19 đã vượt mốc 80.000 ca và số bệnh nhân không qua khỏi vượt ngưỡng 1.500 ca. Số ca nhiễm biến thể Delta tiếp tục tăng. Theo thông cáo của Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 591 ca mắc COVID-19, trong đó có 183 người nhập cảnh.
Indonesia đang là điểm nóng dịch bệnh tại châu Á. (Ảnh: AP)
Ngày 5/8, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 206 ca mắc mới COVID-19, trong đó ngoài 187 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 19 ca cộng đồng, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm trong nước. Trong số các ca cộng đồng mới ghi nhận, có 1 lao động là người Việt Nam, người này được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 tại thủ đô Vientiane. Bệnh nhân là nam giới, 30 tuổi, đi cùng xe với 20 người khác từ tỉnh Bokeo đến Vientiane, xét nghiệm COVID-19 để làm thủ tục về nước và được xác định dương tính. Hiện nhà chức trách Lào đang tiến hành xác minh các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân để triển khai biện pháp phòng chống lây nhiễm cần thiết.
Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 7.511 ca, trong đó có 7 người tử vong.
Diễn biến dịch tại Thái Lan vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 hiện đã lây lan tới 74/77 tỉnh của Thái Lan, chiếm 78,2% số ca nhiễm mới. Thái Lan ngày 5/8 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục là 20.920 ca cùng 160 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Hiện tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay ở Thái Lan là 693.305, trong đó có 5.663 người không qua khỏi.
Tính đến hết ngày 3/8, tổng cộng 18,58 triệu người ở Thái Lan được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Số liệu của Trung tâm thông tin COVID-19 cho thấy, 28% dân số Thái Lan đã được tiêm vaccine, với 4,05 triệu người tiêm đủ liều.
Nhật Bản ngày 5/8 ghi nhận kỷ lục hơn 14.200 ca nhiễm mới trong ngày. Mặc dù Chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh thành, nhưng số ca mắc mới vẫn đang tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận mức đỉnh mới là 4.166 ca. Cho đến nay, biến thể Delta đã có mặt ở 37 trong tổng số 47 tỉnh thành ở Nhật Bản. Hai tỉnh Chiba và Kanagawa có số người nhiễm biến thể Delta cao nhất.
Trước tình hình này, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Nhật Bản vừa kêu gọi Chính phủ mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra toàn quốc. Ngày 5/8, Chính phủ Nhật Bản đã đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm từ ngày 8/8. Các tỉnh nằm trong danh sách bổ sung đợt này gồm Fukushima, Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Aichi, Shiga và Kumamoto. Các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ có hiệu lực đến ngày 31/8. Trước đó, có 5 tỉnh đã nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm gồm Hokkaido, Ishikawa, Kyoto, Hyogo và Fukuoka.
Trong khi đó, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc sẽ xét nghiệm PCR đối với toàn bộ 12 triệu dân sau khi phát hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng sau hơn 1 năm, trong đó có một số ca nhiễm biến thể Delta. Thành phố này đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ khoanh vùng và truy vết dập dịch. Đợt bùng phát mới tại Vũ Hán có liên quan đến các ca nhiễm biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại sân bay ở thành phố Nam Kinh khoảng 2 tuần trước. Đến nay, chuỗi lây nhiễm đã ảnh hưởng tới hàng chục tỉnh thành tại Trung Quốc, trong đó có cả thủ đô Bắc Kinh.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 5/8 cho biết, nước này đã ghi nhận 85 ca mới trong ngày 5/8, trong đó có 62 ca lây nhiễm trong cộng đồng và không có ca tử vong. Trong số các ca nhiễm cộng đồng, có 40 người ở tỉnh Giang Tô, 9 ca ở tỉnh Hồ Nam, các khu vực gồm Bắc Kinh, Sơn Đông, Hà Nam, Vân Nam mỗi nơi có 3 trường hợp mới và 1 bệnh nhân ở tỉnh Hồ Bắc.
Hàn Quốc ngày 5/8 ghi nhận thêm 1.776 ca mới, nâng tổng số lên 205.702 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 3 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 2.109 người (tỷ lệ tử vong là 1,03%). Hiện dịch bệnh đã lây lan trên toàn Hàn Quốc khi 40,3% số ca mới nói trên phát hiện ở những địa phương ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận, khu vực có tỷ lệ nhiễm cao hơn cả.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, nước này có kế hoạch đầu tư 1,92 tỷ USD để trở thành 1 trong 5 quốc gia sản xuất vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới trong 5 năm tới, đồng thời khẳng định phát triển vaccine sẽ là một trong 3 lĩnh vực công nghệ chiến lược quốc gia, cùng với sản xuất linh kiện bán dẫn và pin.
Ông Moon cũng cho biết, vaccine ngừa COVID-19 đang được nước này phát triển dự kiến sẽ được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trong tháng 8 và hy vọng đạt được mục đích sử dụng thương mại trong nửa đầu năm sau. Hiện 40% dân số nước này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó khoảng 14,4% đã tiêm đủ liều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!