Thông tin đáng lo ngại trên được cảnh sát Nhật Bản đưa ra hôm 17/3.
Theo cảnh sát Nhật Bản, số vụ truy cập Internet đáng ngờ trung bình mỗi ngày, trong đó có tấn công mạng, cũng tăng lên mức cao kỷ lục là 7.707,9 trên mỗi địa chỉ IP, tăng gần gấp 3 so với 2.752 vụ trong năm 2018.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thúc đẩy mô hình làm việc từ xa, số vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền trong năm 2022 đã tăng tới 57,5% so với năm 2021, lên 230 trường hợp, xuất hiện tại 37 trong tổng số 47 tỉnh của Nhật Bản.
Dữ liệu cho thấy, quy mô doanh nghiệp không phải là yếu tố thực hiện các vụ tấn công bằng mã độc tống tiền bởi hơn 50% số vụ tấn công nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Lĩnh vực sản xuất bị tấn công mạng nhiều nhất (75 vụ), tiếp đó là lĩnh vực dịch vụ (49 vụ) và lĩnh vực y tế (20 vụ). Trong số 182 vụ tấn công đã xác định được phương thức phạm tội, có 119 vụ liên quan đến mã độc tống tiền kép, trong đó tin tặc mã hóa và đánh cắp dữ liệu của nạn nhân rồi đòi tiền, nếu không sẽ công khai dữ liệu.
Theo khảo sát các công ty bị tấn công mạng, 63 trong số 102 công ty trả lời cho biết, các vụ tấn công được thực hiện thông qua dịch vụ mạng riêng ảo, 19 công ty bị tấn công mạng liên quan đến phần mềm điều khiển màn hình từ xa, trong đó tin tặc cướp quyền kiểm soát thiết bị và 9 trường hợp liên quan đến thư điện tử đáng ngờ.
Đa số các công ty tham gia khảo sát nói tổng chi phí khôi phục hệ thống mất khoảng từ 10 triệu Yen (75.000 USD) đến 50 triệu Yen (375.000 USD). Hầu hết các vụ tấn công bắt nguồn từ nước ngoài.
Trong tổng số 12.369 vụ tấn công mạng, có 3.304 vụ là lừa đảo, trong khi khoảng 1.560 vụ vi phạm luật chống khiêu dâm và mại dâm trẻ em, 522 vụ vi phạm luật truy cập máy tính trái phép.
Để đối phó với tội phạm mạng ngày một gia tăng, Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản vào năm 2022 đã thành lập phòng điều tra đặc biệt có nhiệm vụ giải quyết các trường hợp tội phạm mạng nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!