Sự hoài nghi - "kẻ ngáng đường" chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại Pháp

An Ngọc (Theo CNBC, The Washington Post, Reuters)-Thứ tư, ngày 27/01/2021 06:00 GMT+7

Nguồn: Reuters

VTV.vn - Pháp được biết đến là một trong những quốc gia hoài nghi về vaccine nhất trên thế giới. Điều đó khiến chương trình tiêm vaccine COVID-19 khó triển khai hơn tại nước này.

Sự hoài nghi đối với các nỗ lực tiêm chủng dường như vẫn tồn tại ở Pháp, mặc dù chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đã được triển khai trên khắp nước Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu (EU).

Một cuộc khảo sát do Ipsos thực hiện cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào cuối năm ngoái, trước khi chương trình tiêm chủng bắt đầu tại EU, đã cho thấy tỉ lệ người định đi tiêm chủng ở Pháp là mức thấp nhất trong số các quốc gia được khảo sát.

Cuộc khảo sát - được tiến hành trên 13.500 người ở 15 quốc gia - cho thấy chỉ 40% người trưởng thành Pháp có ý định tiêm vaccine COVID-19. Trong khi đó, 80% người dân Trung Quốc - nơi COVID-19 lần đầu xuất hiện vào tháng 12/2019 - đồng ý sẽ tiêm vaccine nếu có sẵn. Tỷ lệ này ở Anh và Mỹ lần lượt là 77% và 69%.

Khởi đầu chậm chạp

Chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 của Pháp khởi đầu khá chậm chạp so với các quốc gia EU khác. Nước này đang tìm cách đẩy nhanh tiến độ trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn từ việc gia tăng số ca mắc COVID-19, và mối đe dọa của một số biến thể của virus khiến nó dễ lây lan hơn.

Đến thời điểm này, có hơn 823.000 người dân Pháp đã được tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên, tương đương với 1,23% dân số. Mục tiêu ban đầu mà nước này đặt ra là tiêm chủng cho 1 triệu người vào cuối tháng 1, ưu tiên cho người cao tuổi và nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Sự hoài nghi - kẻ ngáng đường chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại Pháp - Ảnh 1.

Pháp đặt mục tiêu tiêm chủng cho 1 triệu dân vào cuối tháng 1/2021. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, Vương quốc Anh đã tiêm chủng cho khoảng 5 triệu người, với số lượng 200.000 người mỗi ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết nước này đặt mục tiêu đến giữa tháng 2 sẽ tiêm chủng cho 13 triệu dân thuộc danh sách ưu tiên.

Sự khởi đầu chậm chạp của Pháp được cho là do bộ máy quan liêu và nhiều thủ tục trong quy trình tiêm chủng (đây là quốc gia châu Âu duy nhất cần có sự đồng ý bằng văn bản trước khi có thể tiêm chủng).

Vì sao người dân Pháp ngần ngại tiêm vaccine?

Việc người dân Pháp không tin tưởng vào vaccine là do nhiều yếu tố, bao gồm các vụ bê bối y tế công cộng trước đây, và các yếu tố nhân khẩu học như tuổi tác và giới tính.

Ông Antoine Bristielle, phó giáo sư khoa học xã hội và nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại phòng thí nghiệm PACTE tại Sciences Po Grenoble, đã viết nhiều nghiên cứu về vấn đề này.

Sau khi thu thập và nghiên cứu dữ liệu về vaccine, ông Bristielle nhận thấy rằng người lớn tuổi có xu hướng tin tưởng vào vaccine hơn người trẻ tuổi, và phụ nữ có nhiều khả năng do dự về vaccine hơn nam giới, cũng như lo sợ hơn về các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Sự hoài nghi - kẻ ngáng đường chiến dịch tiêm chủng COVID-19 tại Pháp - Ảnh 2.

Nghiên cứu cho thấy, tại Pháp, người lớn tuổi có xu hướng tin tưởng vào vaccine hơn người trẻ tuổi. (Nguồn: Reuters)

Ông nói thêm, thông tin sai lệch trên các mạng xã hội, và sự xuất hiện của các thuyết âm mưu về vaccine, cũng góp phần khiến người dân mất lòng tin.

Ngoài ra, các vụ bê bối về sức khỏe cộng đồng trong quá khứ, chẳng hạn như vụ bê bối truyền máu những năm 1990, hay việc triển khai vaccine rắc rối cách đây một thập kỷ để chống lại dịch cúm lợn H1N1 đã "làm tổn hại nghiêm trọng ‘mối quan hệ’ giữa người Pháp và vaccine," ông Bristielle lưu ý.

Bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người dân đối với vaccine COVID-19, bao gồm cả tốc độ chúng được tạo ra: chưa đầy một năm - một thời gian quá nhanh.

An toàn vaccine

Các cơ quan quản lý muốn nhấn mạnh rằng tất cả vaccine đều đã trải qua các quá trình thử nghiệm lâm sàng đầy đủ, và đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Phân tích từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna đều có hiệu quả khoảng 95% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19. Vaccine của Đại học Oxford-AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả trung bình là 70%. Không có loại vaccine nào tạo ra tác dụng phụ nghiêm trọng ở những người tham gia thử nghiệm.

Hiện tại, vẫn chưa rõ vaccine có khả năng chống lại COVID-19 trong bao lâu, hoặc liệu chúng có ngăn ngừa sự lây nhiễm tiếp theo của virus hay không. Do đó, các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn cần được thực hiện nghiêm chỉnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước