Taliban cam kết nhiều vấn đề được coi là có tính đổi mới so với khi phong trào này cầm quyền cách đây 20 năm. Một trong những cam kết nổi bật là bảo đảm quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo.
Người phát ngôn Taliban cam kết, phụ nữ Afghanistan sẽ không bị phân biệt đối xử và có cơ hội học tập, làm việc dưới chế độ mới.
Phiên dịch của phát ngôn viên Taliban nói: "Phụ nữ sẽ được đảm bảo mọi quyền lợi của mình, dù là trong công việc hay các hoạt động khác, bởi phụ nữ là một phần quan trọng trong xã hội. Chúng tôi bảo đảm tất cả các quyền của họ trọng khuôn khổ của đạo Hồi".
Người phát ngôn Taliban không nêu chi tiết nhưng cho biết, phụ nữ tại Afghanistan sẽ được hưởng quyền lợi và hoạt động trong nhiều ngành và khu vực khác nhau bao gồm cả giáo dục, y tế, cảnh sát và tư pháp.
Taliban cam kết bảo đảm quyền phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo. (Ảnh: AP)
Phản ứng trước những cam kết được Taliban đưa ra trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric tỏ ra thận trọng và cho rằng, cần phải thấy được hành động trên thực tế của lực lượng này tại Afghanistan.
Trước đó, đại diện Taliban đã trả lời phỏng vấn của một nữ biên tập viên trên sóng truyền hình. Trong cuộc phỏng vấn dài 17 phút, Taliban cam kết, phụ nữ Afghanistan vẫn được làm việc và học lên cấp đại học. Nhiều nhà quan sát cho rằng, cuộc phỏng vấn này đánh dấu một cách tiếp cận mềm mỏng hơn của Taliban đối với vấn đề quyền phụ nữ so với 20 năm trước.
Trong giai đoạn nắm quyền từ năm 1996 - 2001, Taliban đã áp dụng nghiêm ngặt Đạo luật Hồi giáo Sharia. Theo đó, âm nhạc, truyền hình, phim ảnh và Internet đều bị cấm. Phụ nữ bị cấm đi làm, các bé gái bị cấm đến trường. Phụ nữ nếu muốn ra đường phải có người thân là nam giới đi kèm. Chính bởi việc Taliban từng áp dụng luật Sharia một cách hà khắc nên khi lực lượng này trở lại nắm quyền ở Afghanistan, một số tổ chức quốc tế đã lên tiếng quan ngại, đặc biệt là các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ sẽ chỉ công nhận một chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu Taliban tôn trọng nữ quyền và không liên quan tới những tổ chức cực đoan như al-Qaeda.
Liên minh châu Âu tuyên bố, khối này sẽ thảo luận với lực lượng Taliban ở Afghanistan càng sớm càng tốt nhằm tránh xảy ra một thảm họa nhân đạo và di cư, nhưng không có nghĩa là EU chính thức công nhận chế độ mới ở nước này.
Đánh giá đây là một dấu hiệu tích cực từ Taliban, Nga và Trung Quốc kêu gọi Taliban theo đuổi chính sách tôn giáo ôn hòa, đồng thời tuân theo chính sách đối ngoại hòa bình và thân thiện để đạt được mục tiêu tái thiết và phát triển Afghanistan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!