Tàu cao tốc Shinkansen - biểu tượng của ngành đường sắt và du lịch đường sắt Nhật Bản

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 02/10/2024 06:53 GMT+7

VTV.vn - Ngày 1/10/2024 đánh dấu 60 năm kể từ lần chạy chính thức đầu tiên của tàu tốc độ cao Shinkansen tại Nhật Bản.

Nổi tiếng với sự an toàn, chính xác, trong 60 năm qua, tuyến đường sắt dành cho tàu Shinkansen chưa để xảy ra một vụ tai nạn nào khi lưu thông. Trong trường hợp bị chậm chuyến, thời gian trễ của các chuyến tàu cao tốc Shinkansen trung bình chỉ khoảng 36 giây, trong khi Shinkansen đã chở hơn 10 tỷ lượt hành khách.

Shinkansen cũng nổi tiếng thế giới về sự đúng giờ. Thống kê cho thấy với hơn 200.000 chuyến Shinkansen trên tuyến Tokaido mỗi năm, tỷ lệ khách đến Shinkansen đạt 96,1% mà không bị chậm một giây nào.

Đằng sau thành công mang tính biểu tượng của Shinkansen là cả một hệ thống vận hành với sự chuyên nghiệp, nghiêm túc. Những nhân viên bảo dưỡng tàu Shinkansen trong bộ đồng phục đang bận rộn với công việc dọn dẹp, bảo dưỡng tàu tốc độ cao Shinkasen. Việc giữ cho biểu tượng đường sắt Nhật Bản sạch sẽ, đúng giờ, an toàn từ lâu đã trở thành một công việc nghiêm túc. Một lịch trình bảo dưỡng tỉ mỉ có nghĩa là các đoàn tàu luôn sáng bóng cả bên ngoài lẫn bên trong.

Anh Yuta Akimoto - kỹ sư tại kho tàu Shinkansen thuộc Tập đoàn đường sắt JR Central - chia sẻ: "Chúng tôi luôn ý thức cao độ không bỏ qua bất kỳ bất thường nhỏ nhất nào khi thực hiện công việc hàng ngày".

Tàu cao tốc Shinkansen - biểu tượng của ngành đường sắt và du lịch đường sắt Nhật Bản - Ảnh 1.

(Ảnh: AFP)

Với tiêu chí an toàn, chính xác, tập đoàn đường sắt JR Central - đơn vị vận hành Shinkansen - cho biết chưa bao giờ gặp tai nạn dẫn đến tử vong hoặc thương tích trên tàu cao tốc, ngay cả ở một quốc gia thường xuyên xảy ra động đất, bão tuyết.

Ông Daisuke Kumajima - nhân viên quan hệ công chúng Tập đoàn đường sắt JR Central - nói: "Đảm bảo rằng an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Bất kể thành tích trong quá khứ của chúng tôi là gì, một khi xảy ra một tai nạn, một sự cố, danh tiếng của chúng tôi có thể biến mất chỉ trong một khoảnh khắc".

Để đảm bảo hiệu quả của hệ thống, tập đoàn đường sắt JP Central đặc biệt chú trọng vào công tác đào tạo chuyên sâu cho nhân viên - từ người soát vé đến lái tàu và nhiều thành viên khác.

Theo ông Daisuke Kumajima: "Chúng tôi rất coi trọng việc giáo dục và đào tạo nhân viên của mình, đảm bảo rằng cả hai đều chia sẻ cùng một giá trị rằng an toàn luôn được đặt lên hàng đầu".

Với thực trạng già hóa dân số nhanh chóng, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Do đó, JP Central đang nghiên cứu một hệ thống kiểm tra kỹ thuật số mới có thể phân tích hình ảnh của một chuyến tàu để phát hiện ra mối nguy hiểm.

Ông Katsuya Ebata - quản lý tại kho tàu Shinkansen - cho biết: "Chúng tôi đang nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích ảnh, video, cho phép máy móc đưa ra phán đoán và quyết định dựa trên kết quả phân tích thay vì chỉ dựa vào mắt người".

Ngoài hệ thống tàu tốc độ cao Shinkansen, Nhật Bản đang dự tính đưa vào sử dụng tàu tốc độ cao không người lái trong tương lai và thúc đẩy một tuyến tàu tốc độ cao chạy bằng đệm từ nhằm tăng tốc tàu chạy. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và duy trì hoạt động ổn định trong trường hợp bảo dưỡng hoặc động đất lớn.

Tàu cao tốc Shinkansen - biểu tượng của ngành đường sắt và du lịch đường sắt Nhật Bản - Ảnh 2.

(Ảnh: AFP)

Ngoài các yếu tố về con người, lịch sử, văn hóa, công nghệ là nguyên nhân quan trọng tạo nên sự an toàn, chính xác và đúng giờ của hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen của Nhật Bản. Đáng chú ý là 3 công nghệ gồm:

- Thiết bị liên động điện tử - sẽ tự động điều khiển đường tàu và tín hiệu, không cần sự can thiệp của con người, không chỉ ngăn chặn va chạm giữa các tàu, mà còn điều chỉnh khoảng cách, tốc độ tàu, cho phép tăng số lượng đoàn tàu trên cùng 1 tuyến;

- Thiết bị kiểm soát tàu tự động - có chức năng tự động điều chỉnh tốc độ, tự động tăng và giảm tốc của tàu. Thiết bị nhận thông tin từ các tín hiệu dọc tuyến, từ đó tự động tăng hay giảm tốc mà không cần sự can thiệp của người lái tàu;

- Thiết bị vận hành tàu tự động - là thiết bị tự động điều khiển tàu xuất phát và dừng tại các địa điểm. Thiết bị nhận thông tin từ hệ thống lắp đặt tại các ga Shinkansen.

Hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen của Nhật Bản có một thuật ngữ "Doctor Yellow" (tạm dịch là "bác sỹ màu vàng"). Đây là một con tàu màu vàng có nhiệm vụ kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa dọc các tuyến Shinkansen. Con tàu này thường có khoảng 7 toa được trang bị rất nhiều thiết bị, công nghệ nhằm theo dõi tình trạng đường ray và hệ thống điện trên cao. "Doctor Yellow" được nâng cấp qua các thời kỳ.

Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những thiết bị bảo trì thông minh, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo đang được các công ty đường sắt Nhật Bản triệt để áp dụng. Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản bắt đầu áp dụng 2 hệ thống giám sát bảo trì thông minh dành cho tàu Shinkansen và dành cho đường ray, hệ thống điện. Trong khi đó, Công ty Đường sắt Tây Nhật Bản số hóa cao độ và sử dụng AI để phân tích các dữ liệu giám sát.

Có thể nói, chặng đường 60 năm phát triển của hệ thống đường sắt tốc độ cao Shinkansen của Nhật Bản đã trở thành một biểu tượng không chỉ của riêng đất nước Mặt trời mọc mà còn là minh chứng cho sự phát triển của công nghệ đường sắt tốc độ cao trên thế giới.

Nhật Bản cải tiến hệ thống phát hiện động đất sớm cho tàu cao tốc Shinkansen Nhật Bản cải tiến hệ thống phát hiện động đất sớm cho tàu cao tốc Shinkansen Nhật Bản ra mắt tàu cao tốc Shinkansen mới phá kỷ lục về tốc độ Nhật Bản ra mắt tàu cao tốc Shinkansen mới phá kỷ lục về tốc độ Nhật Bản ra mắt tàu shinkansen mới, có thể chạy dù mất điện Nhật Bản ra mắt tàu shinkansen mới, có thể chạy dù mất điện

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước