Tàu đổ bộ Odysseus đi qua phía gần mặt trăng theo quỹ đạo của mặt trăng trong sứ mệnh IM-1 vào ngày 21/2/2024 (Ảnh: Intuitive Machines/AFP)
Đây là chuyến hạ cánh lần đầu tiên của Mỹ lên bề mặt mặt trăng trong hơn nửa thế kỷ qua và là lần đầu tiên sứ mệnh được thực hiện bởi một tàu vũ trụ thuộc sở hữu tư nhân.
Tàu vũ trụ đã hạ cánh ở khu vực gần cực Nam mặt trăng, mang theo 6 kiện thiết bị của NASA để khảo sát địa hình, tài nguyên, cũng như các mối nguy hại tiềm ẩn trên mặt trăng, thu thập thông tin về tương tác giữa thời tiết không gian với bề mặt mặt trăng, thiên văn vô tuyến.
Tàu đổ bộ mặt trăng Odysseus (Ảnh: AP)
Cụ thể, sau khi đến điểm đáp, tàu sẽ tiếp tục vận hành thêm 7 ngày trước khi màn đêm bao phủ vùng cực Nam của mặt trăng khiến tàu đổ bộ vào trạng thái dừng hoạt động. Tàu đổ bộ sẽ tập trung thu thập thông tin về tương tác giữa thời tiết không gian với bề mặt mặt trăng, thiên văn vô tuyến, công nghệ hạ cánh chính xác và điều hướng. Tàu cũng chở theo hàng hóa, trong đó có tập tài liệu kỹ thuật số về những kiến thức của loài người và 125 bản điêu khắc mini hình mặt trăng của nghệ sĩ Jeff Koons.
Tàu đổ bộ Odysseus là dự án hợp tác giữa Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và công ty hàng không vũ trụ tư nhân Intuitive Machines, đã được phóng lên không gian hôm 16/2 từ trung tâm vũ trụ của NASA ở bang Florida, Mỹ.
Tàu đổ bộ mặt trăng Odysseus tách khỏi tầng trên của tên lửa và hướng về phía mặt trăng (Ảnh: SpaceX/AP)
Chuyến bay này đánh dấu lần hạ cánh có kiểm soát đầu tiên xuống bề mặt mặt trăng bởi một tàu vũ trụ Mỹ kể từ sứ mệnh Apollo năm 1972.
Cuộc chạy đua lên mặt trăng ngày một nóng. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, đã có 3 quốc gia đưa robot lên mặt trăng gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.
NASA cho biết sẽ tổ chức chuyến bay có phi hành đoàn lên mặt trăng vào năm 2026, trong khi Trung Quốc cũng có kế hoạch tương tự, dự kiến vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!