Đến nay, hơn 500,71 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 82,11 triệu ca mắc và hơn 1,01 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 13.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu tòa án phúc thẩm liên bang cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden nối lại thực thi sắc lệnh về tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên liên bang. Sắc lệnh này trước đó đã bị một tòa án cấp thấp hơn "vô hiệu hóa" vào tháng 1/2022.
Hồi tháng 9/2021, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ yêu cầu khoảng 3,5 triệu nhân viên làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Chính phủ Mỹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước ngày 22/11/2021. Những người từ chối tiêm phòng có thể sẽ bị kỷ luật hoặc bị sa thải. Tuy nhiên, vào giữa tháng 1/2022, Tòa án Tối cao Mỹ đã đình chỉ sắc lệnh này.
Mỹ hiện ghi nhận hơn 30.700 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, tăng trung bình 2% so với hai tuần trước. Số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại Mỹ ngay cả khi nhiều người dân mong muốn gác lại những nỗi lo lắng này để hướng tới cuộc sống bình thường mới. Các chuyên gia nhận định, có những cơ sở để dự đoán mọi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trong thời gian tới có khả năng sẽ ít gây thiệt hại hơn so với những làn sóng trước đó.
Sự kết hợp giữa vaccine, mũi tiêm nhắc lại và phương pháp điều trị mới đồng nghĩa ngay cả khi số ca bệnh tăng lên, số ca nhập viện và tử vong được kỳ vọng sẽ không tăng quá mức. Nhà Trắng đang kỳ vọng, chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường và việc cung cấp thuốc điều trị COVID-19 có thể chống lại bất kỳ làn sóng dịch nào bùng phát trong thời điểm hiện tại, thay vì các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang hay đóng cửa doanh nghiệp.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 12/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,03 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 521.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 661.300 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,16 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Theo số liệu thống kê chính thức được công bố vào ngày 12/4, số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan lại vượt trên 100 ca trong ngày thứ ba liên tiếp. Cụ thể, với thêm 101 bệnh nhân không qua khỏi trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng lên 26.298 ca. Trước đó, ngày 10/4, Thái Lan ghi nhận 108 ca tử vong và đây là số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất theo ngày tại nước này trong gần 6 tháng qua.
Do hầu hết các trường hợp tử vong trong làn sóng dịch gần đây là những người chưa tiêm vaccine hoặc những người dễ tổn thương, giới chức y tế Thái Lan đang triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho các nhóm này.
Cũng trong ngày 12/4, số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan đã giảm nhẹ với 19.982 ca. Đây là số ca mắc mới thấp nhất trong 28 ngày qua. Tuy nhiên, giới chức và các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ về một đợt lây nhiễm mới trong kỳ nghỉ lễ Songkran sắp tới. Theo dự báo, sau dịp này, số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày tại Thái Lan có thể lên tới 100.000 người.
Tính đến ngày 11/4, khoảng 72,8% dân số Thái Lan đã được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản ngừa COVID-19 và 35,6% đã được tiêm mũi tăng cường.
Khoảng 72,8% dân số Thái Lan đã được tiêm đủ các mũi cơ bản. (Ảnh: AP)
Tính đến ngày 11/4, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 tại Indonesia là 77,62%, vượt chỉ tiêu đề ra ban đầu (70%). Cùng với tình hình dịch bệnh cải thiện, Chính phủ nước này đã mở cửa du lịch và điều chỉnh quy định phòng chống dịch.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 12/4, người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về xử lý COVID-19, Wiku Adisasmito, cho biết, 12/34 tỉnh thành trên cả nước vượt mốc tiêm chủng trung bình quốc gia (77,62%), trong đó thủ đô Jakarta đứng đầu với mức tiêm chủng đạt 126% so với chỉ tiêu. Ông Wiku cho rằng, ý thức và kỷ luật cộng đồng là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh. Yếu tố này càng quan trọng hơn trong giai đoạn quốc gia có dân số theo Hồi giáo lớn nhất thế giới đang thực hiện tháng ăn chay Ramanda và chuẩn bị Lễ Eid Al-Fitr lớn nhất trong năm.
Sau đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, hiện số ca mắc mới và số ca tử vong tại Indonesia đều giảm nhanh chóng trên cả nước. Tỷ lệ lấp đầy giường bệnh giảm mạnh từ 40% hồi đầu tháng 2 xuống còn 4%.
Ngày 12/4, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn thực thi Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) bên ngoài hai đảo Java và Bali kể từ ngày 12 - 25/4.
Bộ Y tế Nhật Bản đã thông báo ca nhiễm biến thể XE mới được phát hiện đầu tiên ở nước này, là một phụ nữ đến từ Mỹ và nhập cảnh tại sân bay Narita vào ngày 26/3. XE là biến thể lai giữa hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 của dòng Omicron.
Theo các kết quả nghiên cứu sơ bộ do Tổ chức Y tế Thế giới tổng hợp, biến thể mới XE được phát hiện lần đầu ở Anh vào giữa tháng 1 vừa qua. XE được cho có tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn "biến thể tàng hình" BA.2 khoảng 10%. Hiện Nhật Bản đang ghi nhận khoảng 50.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày. Giới chuyên gia dịch tễ nước này cảnh báo, Nhật Bản đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 7 của dịch bệnh COVID-19 khi có nhiều dấu hiệu cho thấy, số ca nhiễm mới trên toàn quốc đang tăng trở lại.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản Shinsuke Suematsu ngày 12/4 cho biết, đã có khoảng 30.000 sinh viên nước ngoài đến nước này kể từ tháng 3 vừa qua trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản nới lỏng kiểm soát đại dịch COVID-19 tại khu vực biên giới. Theo ông Suematsu, tính đến tháng 3/2022, đã có khoảng 110.000 sinh viên nước ngoài chờ đợi để được nhập cảnh vào Nhật Bản sau gần 2 năm bị cản trở do các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu cho toàn bộ số sinh viên nước ngoài trên nhập cảnh vào tháng 5 tới.
Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận về biện pháp tổng thể dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19, bao gồm cả việc bỏ đeo khẩu trang cũng như phương án bố trí hệ thống y tế trong tương lai. Hàn Quốc dự kiến sẽ công bố việc trên vào cuối tuần này, một kế hoạch hậu đại dịch nhằm bình thường cuộc sống cho người dân và hệ thống y tế.
Hàn Quốc cũng sẽ hạ cấp phân loại COVID-19 xuống cấp độ 2, theo đó việc quản lý dịch bệnh sẽ tiến hành như với các bệnh dịch đặc hữu khác. Cơ quan y tế Hàn Quốc nhận định, mức độ lây nhiễm thấp hơn theo con số dự báo của các nghiên cứu trong nước đưa ra. Số ca nhiễm mới trong ngày liên tục giảm trong một tuần trở lại đây. Ca bệnh nguy kịch và ca tử vong cũng có xu hướng giảm.
Trung Quốc đang gấp rút triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của thành phố Thượng Hải, nơi dịch bệnh đang hoành hành dữ dội, chính quyền thành phố Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc đang gấp rút triển khai sớm hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát virus SARS-CoV-2, không để dịch bệnh lan rộng.
Mới đây nhất, chính quyền Quảng Châu đã phong tỏa hoàn toàn đối với người từ bên ngoài thành phố trong bối cảnh số ca nhiễm cộng đồng ở đây đang tăng nhanh. Người dân từ bên ngoài hiện không thể vào trong thành phố, trong khi chỉ những cư dân Quảng Châu có lý do đặc biệt mới được phép rời khỏi đây với điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ.
Các trường tiểu học và trung học của thành phố đã tạm đóng cửa và áp dụng dạy học trực tuyến cho đến ngày 17/4.
Thành phố Thượng Hải bắt đầu lên kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa từng phần bằng cách phân chia khu vực để kiểm soát dịch bệnh. Giới chức thành phố đã chỉ định 7.600 khu vực phong tỏa, 2.400 khu vực kiểm soát hạn chế và 7.500 khu vực phòng ngừa. Khu vực phong tỏa là những nơi ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong một tuần qua. Khu vực kiểm soát hạn chế là những khu dân cư không có ca mắc COVID-19 nào trong một tuần qua. Khu vực phòng ngừa là những khu dân cư không có ca mắc COVID-19 nào trong 14 ngày qua. Người dân tại vùng này bị cấm đi tới hai vùng nói trên. Việc phân chia mỗi khu vực có thể được điều chỉnh nhằm đối phó với bất kỳ sự thay đổi nào về dịch bệnh.
Ngày 12/4, lần đầu tiên sau 2 tuần, nhiều người dân Thượng Hải đã được phép rời khỏi nhà, khi thành phố này thực hiện nới lỏng phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại về các tác động kinh tế của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Người dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch vẫn phải chịu sự kiểm soát và phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Hiện chính quyền Thượng Hải cũng đang nỗ lực mở lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hiệu thuốc, nhưng các cơ sở kinh doanh không thiết yếu vẫn sẽ bị đóng cửa.
Giới chuyên gia cho rằng, việc tái nhiễm virus SARS-CoV-2 hiếm khi xảy ra, nhưng điều này đã khác khi Omicron xuất hiện. Do Omicron rất khác biệt nên việc lây nhiễm trước đó không bảo vệ được con người trước làn sóng tấn công của biến thể này. Điều này phù hợp với các nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy, 10% số ca bị nhiễm lại virus SARS-CoV-2. Như vậy, việc nhiễm biến thể Omicron không có nghĩa là con người đã có tấm khiên bảo vệ mình khỏi việc tái nhiễm.
So với các biến thể khác, Omicron có khả năng chống chọi tốt hơn miễn dịch do vaccine hoặc các lần nhiễm trước đó tạo ra. Omicron không chỉ có khả năng thoát khỏi miễn dịch mà còn đến vào đúng thời điểm khả năng miễn dịch của con người giảm dần, sau khi hầu hết người dân đã tiêm đủ liều cơ bản. Do đó, giới chức y tế đề nghị người dân đã tiêm đủ liều cơ bản nếu có điều kiện nên tiêm mũi tăng cường. Và vaccine thực sự hiệu quả trong việc ngăn bệnh tình diễn tiến nặng và tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo đang theo dõi sát sao các ca nhiễm hai biến thể phụ mới của Omicron là BA.4 và BA.5, với mục đích nhằm xem các biến thể phụ này có dễ lây lan hay nguy hiểm hơn hay không. WHO đã bổ sung BA.4 và BA.5, biến thể "cùng lứa" của biến thể phụ gốc BA.1 của Omicron, vào danh sách các biến thể cần theo dõi.
WHO cho biết: "cần nghiên cứu sâu hơn những đột biến mới của các biến thể phụ này để hiểu về tác động của chúng đối với khả năng trốn hệ miễn dịch của virus". Theo WHO, chỉ có một số ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 được thông báo cho Cơ sở dữ liệu toàn cầu của WHO. Cơ quan An ninh Y tế Anh tuần trước cho biết, biến thể phụ BA.4 đã được phát hiện ở Nam Phi, Đan Mạch, Botswana và một số nơi tại Vương quốc Anh từ ngày 10/1 đến ngày 30/3. Trong khi đó, toàn bộ các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 được phát hiện ở Nam Phi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!