Thế giới ghi nhận gần 115 triệu ca nhiễm COVID-19

Ban Thời sự-TTXVN-Thứ ba, ngày 02/03/2021 06:00 GMT+7

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: THX/TTXVN

VTV.vn - Tính đến sáng sớm nay, thế giới có gần 115 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2,5 triệu người tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với hơn 29,2 triệu ca nhiễm và 525.780 ca tử vong, tiếp đó là Ấn Độ với hơn 11 triệu ca nhiễm và 157.195 ca tử vong; Brazil đứng thứ ba với hơn 10,5 triệu ca nhiễm và 255.018 ca tử vong.

Tại khu vực Mỹ Latin, Chính phủ Argentina đã yêu cầu gia hạn các biện pháp hạn chế và giãn cách bắt buộc đến ngày 12/3 tới nhằm kiểm soát dịch COVID-19 lây lan.

Tại châu Âu, Anh thông báo nước này lần đầu tiên phát hiện 6 ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ thành phố Manaus, Brazil. Trong số này, 3 ca được phát hiện ở vùng England và 3 còn lại ở vùng Scotland.

Tại Na Uy, chính quyền thành phố Oslo thông báo sẽ siết chặt các biện pháp phong tỏa để ngăn số ca nhiễm liên quan đến biến thể của virus SARS-CoV-2 tăng nhanh. Toàn bộ các nhà hàng, ngoại trừ các điểm cung cấp dịch vụ bán đồ mang về, các cửa hàng không thiếu yếu sẽ phải đóng cửa từ ngày 2/3. Trong khi đó, học sinh sẽ phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Toàn bộ các hoạt động giải trí ngoài trời dành cho người trưởng thành, tụ họp hay thăm viếng đều bị hạn chế.

Thế giới ghi nhận gần 115 triệu ca nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Kiểm soát dịch COVID-19 tại Ấn Độ. Ảnh: AP

Tại Phần Lan, chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng. Theo đó, các nhà hàng, trường học phải đóng cửa, hoạt động đi lại giữa các vùng bị hạn chế. Tình trạng khẩn cấp cũng cho phép chính phủ nước này áp đặt các biện pháp khác để kìm chế dịch bệnh lây lan. Một vài vùng tại Phần Lan ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong hai tuần qua, với ổ dịch bùng phát ở những người đi trượt tuyết tại vùng Lapland và công nhân làm việc ở các xưởng đóng tàu và công trường xây dựng. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng hơn 58 nghìn ca mắc COVID-19.

Tại Slovakia, chính phủ nước này sẽ siết chặt các biện pháp phòng dịch từ ngày 3/3 tới, bao gồm việc hạn chế người dân đi lại. Theo quy định mới, người dân sẽ chỉ được phép đi lại từ 20h tối đến 1h sáng hôm sau, lệnh hạn chế đi lại sẽ áp dụng trong khung giờ từ 5h sáng đến 20 tối. Từ ngày 8/3, những người vào cửa hàng hoặc di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng cần đeo khẩu trang FFP 2. Các trường mầm non sẽ chỉ mở lớp cho những học sinh có cha mẹ không thể làm việc từ xa. Nếu đến ngày 21/3 tới, các biện pháp hạn chế không kiểm soát được tình trạng lây nhiễm, chính phủ sẽ chuẩn bị các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, như đóng cửa các doanh nghiệp và biên giới.

Tại khu vực Trung Đông và châu Phi, Israel xác nhận sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các lao động người Palestine được cấp giấy phép làm việc tại các khu định cư Do Thái trong lãnh thổ Israel cũng như khu vực bị chiếm đóng. Theo kế hoạch, Israel sẽ thành lập một số trung tâm tiêm chủng tại các trạm kiểm soát giữa Israel và khu Bờ Tây, sau đó sẽ bổ sung thêm các trung tâm tiêm chủng tại các khu công nghiệp.

Thế giới ghi nhận gần 115 triệu ca nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Philippines là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tổng số ca nhiễm và tử vong. Ảnh: AP

Tại châu Á, Philippines đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, 1 ngày sau khi nước này tiếp nhận lô vaccine đầu tiên gồm 600 nghìn liều từ hãng Sinovac của Trung Quốc. Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho tối đa 70 triệu dân, tương đương 2/3 dân số nước này, trong năm 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng.

Còn Ấn Độ bước vào giai đoạn hai của chương trình tiêm chủng. Trong giai đoạn này, những người dân trên 60 tuổi và những người trên 45 tuổi mắc nhiều bệnh lý nền sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19. Kể từ khi khởi động vào ngày 16/1 tới nay, chiến dịch tiêm chủng tại Ấn Độ đã giúp gần 15 triệu người dân nước này được chủng ngừa. Vaccine được tiêm miễn phí tại các bệnh viện và các cơ sở y tế công trong khi những người lựa chọn tiêm tại các cơ sở y tế tư nhân sẽ trả phí khoảng 250 rupee Ấn Độ (khoảng 3,4 USD).

Nhật Bản đã tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 của hãng Pfizer/BioNtech trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị mở rộng chương trình tiêm chủng cho nhân viên y tế. Lô vaccine trên gồm 526.500 liều đã được chuyển từ nhà máy sản xuất ở Bỉ tới sân bay Narita, gần Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cho hay trong tháng 3 này sẽ nhận 2,6 triệu liều vaccine, bao gồm cả số vaccine trên, với mỗi lọ vaccine có thể tiêm cho 6 người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

covid-19

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước