Thế giới trải qua nhiều thập kỷ quản lý sai và lạm dụng nguồn nước

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 24/03/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Nước sạch giờ đây trở thành một vấn đề cấp bách, đe dọa nhiều khía cạnh của cuộc sống. Cuộc khủng hoảng nước hiện nay là mối quan tâm của tất cả các quốc gia.

Hồ Montbel ở Tây Nam nước Pháp những ngày giữa tháng 3, nơi từng là điểm du lịch nổi tiếng thì nay lại cạn trơ đáy. Hạn hán đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.

Ông Christophe Mascarenc - Nông dân: "Hồ Montbel là nguồn sinh kế của chúng tôi, không có nước thì các trang trại trong vùng không thể sản xuất được. Nếu tình trạng thiếu nước vẫn tiếp diễn, rất nhiều trang trại sẽ biến mất".

Ông Xavier Rouja - Quản lý kỹ thuật đập Montbel: "Hiện lượng nước trong hồ chỉ khoảng 15 triệu mét khối, tương đương khoảng 25% dung tích tối đa. Vào thời điểm này trong năm, lượng nước thường đạt gần 60% dung tích. Như vậy là đang thiếu hụt khoảng 40 triệu mét khối nước. Tình trạng này đòi hỏi biện pháp quản lý nguồn nước đặc biệt vào mùa hè sắp tới".

Thế giới trải qua nhiều thập kỷ quản lý sai và lạm dụng nguồn nước - Ảnh 1.

Còn tại thị trấn Sulug, Lybia, người dân đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước sạch. Các hộ dân phải chi trả khoảng 80 Dinar, tương đương gần 17 USD cho mỗi xe chở nước sạch từ nơi khác đến, vì nước tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Abdelaali Al-fakhery - Người dân: "Chúng tôi đã phải chịu cảnh thiếu nước từ khi bắt đầu tới đây sinh sống, nước đến từ các đường ống tưới tiêu và chảy rất yếu, dù chúng tôi có đào giếng thì nước cũng bị ô nhiễm".

Tác giả chính của Báo cáo Phát triển Nước Thế giới năm 2023 của Liên hợp quốc, ông Richard Connor, cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu sắp xảy ra nếu con người tiếp tục khai thác và tiêu thụ nước quá mức như hiện nay. "Khủng hoảng nước toàn cầu là sự gia tăng một chuỗi các khủng hoảng cục bộ ở những nơi không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu người dân. Và khi tình hình leo thang, khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, lan từ nơi này tới nơi khác theo thời gian, thì sẽ đến một lúc chỉ còn một vài khu vực, một số quốc gia nhất định trên thế giới đảm bảo an ninh về nước".

Thế giới trải qua nhiều thập kỷ quản lý sai và lạm dụng nguồn nước - Ảnh 2.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, hiện có 2,3 tỷ người đang sống ở các nước chịu áp lực về nước. Trong năm 2020, có tới 2 tỷ người không được tiếp cận nước sạch, 3,6 tỷ người không có nhà vệ sinh tại nhà và 2,3 tỷ người không thể rửa tay ngay tại nhà mình. Thực trạng này đang cách khá xa so với các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đặt ra là đảm bảo khả năng tiếp cận nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Chung tay hành động trước thách thức sống còn

Cuộc khủng hoảng nước hiện nay là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia. Liên hợp quốc nhấn mạnh, nếu không khẩn trương hành động và có một chu trình quản lý nước hiệu quả ngay từ bây giờ, sức khỏe con người và môi trường thế giới sẽ đối mặt với khủng hoảng và một tương lai bền vững, công bằng sẽ vẫn nằm ngoài tầm với.

Những đại biểu đang tham dự Hội nghị Nước Liên hợp quốc được mời đưa ra đề xuất liên quan đến chương trình nghị sự hành động vì nước. Các nhà tổ chức mong muốn sẽ có nhiều cam kết và giải pháp được đưa ra, bất kể quy mô lớn nhỏ.

Thế giới trải qua nhiều thập kỷ quản lý sai và lạm dụng nguồn nước - Ảnh 3.

Ông David Malpass - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới: "Nhu cầu tài chính cũng như các cơ hội trong ngành nước là rất lớn. Ngân hàng Thế giới có danh mục đầu tư trị giá hơn 24 tỷ USD vào các dự án đầu tư về nước tại hơn 70 quốc gia. Chúng tôi cũng đang tìm ra những cách mới để tài trợ về nước, ví dụ, tháng trước, chúng tôi đã phát hành trái phiếu với tổng trị giá 50 triệu USD cung cấp nước sạch cho học sinh ở Việt Nam.

Ông Woochong Um - Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): "ADB sẽ huy động 10 tỷ USD tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho ngành nước ở Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030, điều này phù hợp với mục tiêu chung của ADB là huy động hơn 100 tỷ USD tài trợ khí hậu bằng nguồn vốn của chúng tôi đến năm 2030".

Theo Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thế giới, việc đảm bảo nguồn nước cho xã hội vào năm 2030 có thể chỉ tiêu tốn hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nhưng lợi ích thu được từ những khoản đầu tư này lại rất lớn, từ việc phát triển nền kinh tế đến tăng năng suất cây trồng, cải thiện cuộc sống của người nghèo và những người dễ bị tổn thương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

nguồn nước

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước