Thiếu thực phẩm thiết yếu khiến người dân châu Á méo mặt

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 20/12/2019 17:38 GMT+7

VTV.vn - Ngay ở chính những nền kinh tế lớn của khu vực, cảnh thiếu thực phẩm thiết yếu đã xảy ra, đẩy người dân vào cảnh méo mặt khi mà kể cả có tiền cũng chưa chắc mua được.

Củ hành đang làm người dân nhiều nước châu Á chảy nước mắt, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Kể từ cuối tháng 9 vừa qua, sau khi mùa mưa kéo dài khiến vụ gieo trồng hành vào mùa hè phải lùi lại, Ấn Độ - nhà xuất khẩu nguyên liệu chế biến lớn nhất thế giới - buộc phải cấm xuất khẩu hành củ. Dù vậy, giá hành trong nước vẫn rất cao, ở mức 2.5 USD/kg, tức là gần bằng thu nhập trung bình một ngày của người dân nước này.

Thế là không chỉ giá hành tại Ấn Độ tăng mà nó còn khiến những quốc gia nhập khẩu hành của nước này như Bangladesh phải bóp mồm bóp miệng theo. Sau lệnh cấm xuất khẩu hành của Ấn Độ, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng tuyên bố cắt giảm hành trong thực đơn mỗi ngày của bà. Ở Bangladesh, chỉ trong vòng nửa tháng, các bà nội trợ phải chi gấp đôi số tiền để mua 1 kg hành, mức giá cao nhất kể từ năm 2013.

Câu chuyện củ hành chưa phải là vấn đề kết thúc năm Đinh Hợi. Năm Định Hợi thì phải nói chuyện lợn. Con lợn thật biết để lại ấn tượng khó quên cho những quốc gia châu Á khác, gồm Trung Quốc, Thái Lan và cả Việt Nam. Chưa bao giờ người Trung Quốc phải giành giật từng miếng thịt lợn như thế. Nếu có trách thì trách dịch tả lợn châu Phi và cả xung đột thương mại Mỹ - Trung, khiến nguồn cung thịt lợn thiếu trong hụt ngoài. Và không muốn những chiếc há cảo chỉ có nhân hành, người ta đổ xô đi nuôi siêu lợn khổng lồ, với những con nặng tới 150 cân, hy vọng Tết năm nay trên mâm cỗ vẫn có món thịt kho. Trong khi chờ những con siêu lợn kịp lớn, dân Trung Quốc đành tạm chuyển sang ăn hải sản hoặc thịt bò vì giá thịt lợn quá đắt đỏ.

Ngược lên phía Bắc, một quốc gia khác cũng đang phải ăn dè hà tiện trong dịp năm mới này, đó là Hàn Quốc. Biến đổi khí hậu khiến mùa đông năm nay chẳng lạnh mấy, đồng nghĩa là những giống rau củ mùa đông như cải thảo - nguyên liệu chính của món kim chi, cũng không đạt sản lượng như mọi năm.

Giá cải thảo, cải bó xôi và cải bắp đều tăng do nguồn cung khan hiếm. Trung bình, nếu đi chợ truyền thống, một gia đình 4 người sẽ tốn 235 USD, tức khoảng 5,5 triệu đồng để mua các loại cải và gia vị để muối kim chi, còn nếu mua trong siêu thị sẽ đắt thêm 40 USD nữa. Các loại rau cải khác tăng trung bình 3 USD/mớ. Vậy nên nếu thời tiết vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến mùa màng như thế này thì về lâu dài, người dân xứ kim chi thực sự phải "đếm củ dưa hành" mỗi lần đi chợ mất thôi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước