Cảnh sát bảo vệ các binh sĩ đảo chính đã đầu hàng khỏi đám đông giận dữ. (Ảnh: Reuters)
Tối 16/7, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc chiến dịch chống những kẻ tiến hành đảo chính tại Sở chỉ huy của Bộ Tham mưu quân sự. Cùng với tuyên bố này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho phong tỏa an ninh tại căn cứ không quân Incirlik ở Adana, miền Nam nước này, nơi các máy bay Mỹ triển khai các cuộc oanh kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chính quyền địa phương đã từ chối các hoạt động cất cánh và hạ cánh tại căn cứ không quân Incirlik. Điện tại căn cứ này cũng bị cắt. Động thái này nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ lực lượng đảo chính có thể sử dụng các phương tiện đường không để chạy trốn hoặc tiếp tục âm mưu lật đổ Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu đã ra lệnh cho các lực lượng Mỹ trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các biện pháp bảo vệ tối đa sau vụ đảo chính quân sự diễn ra ở quốc gia này.
Cũng trong đêm 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện đang sinh sống tại bang Pennsylvania (Mỹ), về quy án tại Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu từ Luxembourg, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ đảo chính nhưng Ankara cần phải chia sẻ các bằng chứng mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có được nhằm chống lại giáo sĩ Fethullah Gulen.
Trong một diễn biến có liên quan, Hy Lạp cũng vừa bắt giữ 8 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ sau khi trực thăng chở nhóm này hạ cánh ở miền Bắc nước này. Cảnh sát Hy Lạp cho biết, những người bị bắt giữ đều đề nghị tị nạn chính trị. Trước đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt 10 thành viên của Tòa án hành chính và đang truy tìm 140 thành viên của tòa. Như vậy, cho đến thời điểm này, hơn 2.800 nhân viên quân sự đã bị bắt.
Mỹ, Đức cũng vừa lên tiếng hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng pháp quyền khi xử lý những người âm mưu đảo chính.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!