Tình trạng lạm phát tại Thụy Điển đã khiến giá thực phẩm trung bình tăng tới 20% trong năm 2022, đồng thời khoảng cách giàu nghèo cũng đạt mức lớn nhất kể từ cuối những năm 1970.
Mới qua 6h sáng mà trước nhà ga tàu ở, Stockholm, thủ đô Thụy Điển, người vô gia cư đã lặng lẽ xếp hàng dài. Hàng ngày, hàng chục người lại đến đây để được cấp đồ ăn sáng, bao gồm bánh quế và một cốc cà phê.
Ông Kavian Ferdowsi, thuộc Hội hỗ trợ người vô gia cư Homeless.life ở Thụy Điển, cho biết: "Trong 13 năm tôi tổ chức hội Homeless.life, chúng tôi chưa bao giờ tiếp nhận nhiều người đến lấy đồ ăn sáng đến xin dù chỉ là một sự hỗ trợ nhỏ như thế này. Chúng ta sống trong một đất nước rất giàu, nhưng xã hội giờ lại nghèo đi".
Từ lâu, Thụy Điển được biết đến là một trong những thành viên EU có kinh tế ổn định nhất. Tuy nhiên, hiện nước này lại là một trong số ít các nước thành viên EU được dự báo sẽ suy thoái kinh tế trong năm nay, đồng thời lạm phát sẽ lên mức kỷ lục 11,7%.
Bà Annika Alexius, chuyên gia kinh tế Thụy Điển, nói: "Làn sóng lạm phát đầu tiên chỉ thể hiện ở giá năng lượng và một số hàng nhập khẩu, nhưng nay đã lan ra khắp nền kinh tế. Những hộ gia đình thu nhập thấp chi tiêu bị tăng thêm nhiều cho hai thứ là tiền thuê nhà và thực phẩm".
Ở một chi nhánh của Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển, người dân đến để mua những hàng ế ẩm từ siêu thị với giá tối thiểu.
Bà Marianne Örberg, ở thành phố Stockholm, một luật sư về hưu, tuần nào cũng tới đây hai lần. Bà lo là sẽ tiêu hết tiền tiết kiệm vào những thực phẩm cơ bản.
Bà Örberg chia sẻ: "Trứng, sữa, bơ, sữa chua là những thứ ăn hàng ngày. Không tăng gấp đôi, nhưng cũng ít nhất là gấp rưỡi. Phải thay đổi thói quen ăn uống. Giờ thật ra là phải ăn những thứ khác trước mới đủ tiền chi tiêu. Nên những sáng kiến hỗ trợ như thế này thật sự rất đáng quý".
Theo ông Martin Arnlov, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển: "Trước đây, chúng tôi hầu như chỉ thấy những người thực sự sống ở rìa xã hội tới đây, nhưng nay thì khác. Các gia đình, người cao tuổi, người đang nghỉ ốm đều vật lộn để đủ sống".
Các con số thống kê vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại. Tính tới năm 2021, gần 15% người Thụy Điển có nguy cơ lâm vào cảnh nghèo, đây là những người có thu nhập không quá 60% thu nhập trung bình của cả nước.
Và với giá bất động sản cũng giảm, chỉ trong tháng 1 đã giảm tới 10%, người ta lo ngại rằng đà suy giảm của kinh tế Thụy Điển sẽ còn tiếp diễn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!