Tiến trình hòa bình Trung Đông đang đi vào ngõ cụt: Không đối thoại, không đàm phán!

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 07/06/2020 11:01 GMT+7

VTV.vn - Trong tuần qua, Trung Đông được quan tâm trở lại, với những động thái cho thấy việc Israel rục rịch các bước hiện thực hóa kế hoạch sáp nhập Bờ Tây sông Jordan.

Israel cho biết, họ đang thảo luận cụ thể với Mỹ về kế hoạch này, đồng thời tăng cường chuẩn bị quân sự đối phó với làn sóng bạo lực rộng lớn có thể xảy ra ở Bờ Tây. Động thái này diễn ra chỉ nửa tháng, sau ngày 17/5, ngày chính phủ liên minh giữa đảng Likud của Thủ tướng Israel Benjamin Nentanyahu và đảng Xanh - Trắng của ông Benny Gantz tuyên thệ nhậm chức. Điều này có thể cho thấy sự rốt ráo nhanh chóng, thể hiện quyết tâm của Israel trong những bước đi tới. Trung Đông, mà cụ thể hơn là vấn đề hòa bình Israel - Palestine một lần nữa đứng trước những nguy cơ leo thang bất ổn, hòa bình càng trở nên xa vời.

Viễn cảnh hòa bình Trung Đông còn xa tầm với

Dịch COVID-19 đã ấn nút "Stop" đối với xung đột trên quy mô lớn giữa Israel và Palestine, Dải Gaza trước đây luôn mịt mù đạn pháo thì nay lại duy trì trạng thái tĩnh lặng hiếm thấy, Israel và Palestine hợp tác với nhau trong việc kiểm soát dịch bệnh, thậm chí Israel còn cung cấp bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và huấn luyện nhân viên y tế cho Palestine.

Tuy nhiên sự hợp tác này đang lung lay khi mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu liên tục thúc đẩy kế hoạch mà ông công bố khi tranh cử, đó là sáp nhập thung lũng Jordan và một số khu định cư ở Bờ Tây vào tháng 7 tới.

Tiến trình hòa bình Trung Đông đang đi vào ngõ cụt: Không đối thoại, không đàm phán! - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: "Những khu vực Bờ Tây là nơi sinh ra và phát triển của quốc gia Do Thái. Đã đến lúc áp dụng luật pháp của Israel đối với khu vực này và viết một chương vinh quang khác trong lịch sử của chủ nghĩa phục quốc Do Thái".

Trong phản ứng của mình, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết động thái của Israel đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi hợp tác an ninh. "Chính phủ Palestine sẽ miễn hoàn toàn trách nhiệm trong mọi thỏa thuận và biên bản ghi nhớ với Chính phủ Mỹ và Israel và mọi nghĩa vụ trong các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ này, bao gồm cả các thỏa thuận an ninh".

Khu vực thung lũng Jordan chiếm 30% diện tích khu Bờ Tây, đây là khu vực mà người Palestine coi là lãnh thổ của nhà nước tương lai của họ. Hơn 600.000 người Israel sống trong các khu định cư được xây dựng bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế trên lãnh thổ này.

Việc sáp nhập các cộng đồng định cư Do Thái ở Bờ Tây cũng là một trong những nội dung chủ chốt của kế hoạch hòa bình do Mỹ soạn thảo và công bố hồi tháng Một vừa qua. Trong bản kế hoạch dài 80 trang này, Mỹ đề xuất thành lập thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai tại Abu Dis - ngoại ô Jerusalem. Trong khi coi Jerusalem là thủ đô không thể chia tách của Israel. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của phía Palestine cũng như sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Jerusalem sẽ vẫn là thủ đô "không thể tách rời" của Israel

Trong khi đó, những làn sóng phản đối kế hoạch của Thủ tướng Israel diễn ra trên khắp khu Bờ Tây nơi người Palestine sinh sống. Viễn cảnh hòa bình Trung Đông vẫn là điều còn xa tầm với.

Tiến trình hòa bình Trung Đông đang đi vào ngõ cụt: Không đối thoại, không đàm phán! - Ảnh 2.

Thủ lĩnh đảng Xanh-Trắng Benny Gantz (phải) và đối thủ kỳ cựu Benjamin Netanyahu . (Nguồn: Flash90)

Phân tích tình hình khu vực nhiều năm, ông Phạm Phú Phúc - Chuyên gia bình luận quốc tế cho rằng: "Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ được xem là hậu thuẫn chính cho quyết tâm vẽ lại bản đồ lãnh thổ của Israel. Kế hoạch này được công bố ngày 28/1 năm nay, như một tiếng nói trọng lượng trong chiến dịch tranh cử vừa diễn ra của Thủ tướng Israel Benjamin Nentanyahu.

Điểm mấu chốt của kế hoạch này, cũng là phần gây tranh cãi lớn nhất trong cộng đồng quốc tế, là nội dung về giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine. Theo đó, Palestine sẽ có được một nhà nước mà họ khao khát, một lời hứa nghe rất lạc quan và công bằng, nhưng lại đi kèm nhiều điều kiện phía sau. Cụ thể, Jerusalem sẽ vẫn là thủ đô "không thể tách rời của Israel". Sáp nhập Bờ Tây, tức sẽ bao gồm Đông Jerusalem, được Palestine chọn làm thủ đô của nhà nước độc lập trong tương lai. Những gì bản thỏa thuận mang đến cho người Palestine thực ra rất ít - một nhà nước không có chủ quyền thích hợp, bao quanh bởi lãnh thổ của Israel và luồn lách giữa các khu định cư của người Do thái. Và lẽ dĩ nhiên, người Palestine quyết liệt bác bỏ kế hoạch này".

Cũng hơn 1 năm trước, Mỹ lần đầu tiên công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan, một vùng đất tranh chấp khác của Israel với Syria. Đến nay tuyên bố công nhận này vẫn là động thái chủ yếu mang tính biểu tượng chứ không mang tính pháp lý, khi cộng đồng quốc tế gần như nhất trí đây là vùng chiếm đóng, hoặc ít nhất tranh chấp.

Bản kế hoạch hòa bình dày công của Mỹ gây tranh cãi

Với việc Tel Aviv nhiều lần khẳng định quyết tâm sáp nhập Bờ Tây, Palestine đã tuyên bố chấm dứt mọi hợp tác an ninh với Mỹ và Israel, rút khỏi tất cả thỏa thuận đã ký trước đây. Như vậy kể cả chỉ với một số tuyên bố chuẩn bị ban đầu từ phía Israel, phản ứng nhận lại đã cho thấy trước được việc, tiến trình hòa bình Trung đông đang đi vào ngõ cụt, không đối thoại, không đàm phán. Vấn đề hòa bình cho Trung Đông lâu nay có tiếng nói điều phối từ bộ tứ 4 bên: Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ. Các bên cũng đã có những phản ứng hy vọng vãn hồi tình hình.

Tiến trình hòa bình Trung Đông đang đi vào ngõ cụt: Không đối thoại, không đàm phán! - Ảnh 3.

Theo kế hoạch của Tổng thống Trump, Jerusalem sẽ tiếp tục là thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Isarel. Nguồn: EPA-EFE

Bản kế hoạch hòa bình dày công của Mỹ, theo lời Tổng thống Trump, khẳng định lợi ích công bằng cho cả Israel và Palestine. Tuy nhiên, phản ứng nhận lại từ các bên liên quan trong bộ tứ Trung Đông, gồm Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Nga không cho thấy sự đồng tình với lập trường này.

Liên Hợp Quốc khẳng định tổ chức đa phương này duy trì cam kết đối với giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới trước khi Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza trong cuộc chiến tranh năm 1967.

Ông Stephane Dujarric - Người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: "Quan điểm của Liên Hợp Quốc về giải pháp hai nhà nước đã được xác định rõ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc".

Các nguồn tin ngoại giao Liên minh châu Âu thì cho biết, Pháp đang hối thúc các đối tác trong khối cân nhắc đe dọa Israel thông qua một phản ứng cứng rắn nếu nước này xúc tiến kế hoạch sáp nhập trên thực tế các bộ phận của Bờ Tây bị chiếm đóng.

Ông Jean - Yves le Drian - Bộ trưởng Ngoại giao Pháp khẳng định: "Pháp cùng với Đức, Italy, Tây Ban Nha và các thành viên liên minh châu Âu khác đang tìm kiếm một giải pháp phối hợp hành động ngăn chặn kế hoạch này, thậm chí tính biện pháp trừng phạt với Israel nếu kế hoạch được triển khai".

Trong khi đó, Nga tỏ ra dè dặt hơn cả khi được hỏi về phản ứng của mình. "Chúng tôi thấy phản ứng từ người Palestine, chúng tôi thấy phản ứng của một loạt các quốc gia Arab đã đứng về phía người Palestine trong việc từ chối kế hoạch. Điều này rõ ràng khiến người ta nghĩ về tính khả thi của nó", ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn điện Kremlin nói.

Bờ Tây sông Jordan được đại bộ phận quốc tế coi là phần lãnh thổ Israel đang chiếm đóng bất hợp pháp từ người Palestine và là trọng tâm căng thẳng tranh chấp nhiều thập kỷ qua giữa hai bên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước