Sau vụ hỏa hoạn ở trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp, hàng nghìn người đã phải đi sơ tán. Những người di cư trên đảo Lesbos lại chuẩn bị tinh thần trải qua đêm ở ngoài trời sau vụ hỏa hoạn ở trại tị nạn Moria.
Cháy trại tị nạn Moria. (Ảnh: AP)
Nhà chức trách Hy Lạp đang tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ từ lều bạt cho tới những chiếc phà chở khách để làm nơi ở tạm cho hàng nghìn người, bao gồm cả trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, sẽ phải mất vài ngày mới có thể khắc phục được tình hình. Trong khi chờ sự hỗ trợ, các gia đình vẫn ở trú tạm trong những bãi đỗ xe hay vườn nho, thậm chí có người phải trải chăn nằm trên vỉa hè. Việc tiếp tế thực phẩm cho người di cư đã được triển khai nhưng chưa thể đáp ứng đủ cho tất cả.
Việc khắc phục hậu quả vụ cháy đang gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh: AP)
Trại tị nạn Moria có hơn 12.000 người đang sinh sống, nhiều gấp 4 lần sức chứa của trại. Nơi đây thường xuyên bị chỉ trích vì các điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Các tổ chức nhân đạo đã cảnh báo, quy định về giãn cách xã hội và các biện pháp đảm bảo vệ sinh cơ bản không thể thực hiện được tại đây. Trại này đã phải đóng cửa trong tuần trước sau khi nhà chức trách xác nhận một người tị nạn dương tính với virus SARS-CoV-2. Số ca nhiễm sau đó đã lên tới 35 người.
Người tị nạn sống trong cơ cực, thiếu thốn mọi bề sau vụ cháy. (Ảnh: AP)
Sau vụ cháy trại tị nạn lớn nhất châu Âu trên đảo Lesbos của Hy Lạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho biết, Đức và Pháp sẽ tiếp nhận những trẻ em di cư không còn nơi trú ẩn. Bà Merkel cũng cho biết trước đó đã liên hệ với Pháp và gửi lời đề nghị giúp đỡ Hy Lạp. Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh, việc di cư là vấn đề chung của các quốc gia, nếu các quốc gia vẫn còn rạn nứt về vấn đề này, nó sẽ trở thành gánh nặng cho châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!