Tổng thống Joe Biden sau hơn 1 tuần tại Nhà Trắng: Những chính sách đối ngoại nào được ưu tiên?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 31/01/2021 10:28 GMT+7

VTV.vn - Ngay khi bắt tay vào công việc của một tổng thống, ông Joe Biden đã có những động thái đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm một cách đầy kịch tính.

Trong vòng vài phút sau khi chính thức nhậm chức, ông Biden đã ký một loạt sắc lệnh, chính thức hóa nhóm hoạch định chính sách và thiết lập lại đường lối chính sách đối nội và đối ngoại. Trong đó tới có 17 sắc lệnh hành pháp xem xét và đảo ngược các động thái chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump.

Hành động đầu tiên của Tổng thống Biden dự báo điều gì về mối quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới?

Không có "tuần trăng mật" cho tân Tổng thống Mỹ. Ông Joe Biden bắt đầu ngày làm việc đầu tiên ở phòng Bầu dục với một chồng các sắc lệnh trên bàn. Ngay trong tuần đầu tại vị, hơn 40 sắc lệnh hành pháp đã được ký ban hành. Một con số kỷ lục, nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào.

Một số điểm chính như về đối nội, ông Joe Biden đã tạm dừng xây dựng bức tường biên giới phía Nam, nới lỏng lệnh cấm nhập cảnh từ các quốc gia Hồi giáo, mở rộng việc đăng ký bảo hiểm y tế Obamacare và thúc đẩy chính sách Buy American - Mua hàng Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: "Dưới thời chính quyền trước đây, các hợp đồng chính phủ liên bang trao cho các công ty nước ngoài đã tăng 30%, điều đó sẽ thay đổi dưới thời của chúng tôi".

Về đối ngoại, ông Biden ký sắc lệnh thúc đẩy vấn đề biến đổi khí hậu và đưa Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris, tạm dừng việc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới WHO, gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga. Dù đa dạng, nhưng xu hướng chung là đảo ngược những chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. "Tôi không khởi xướng luật mới hay bất kỳ một khía cạnh mới nào của luật, mà chỉ đang quay trở lại thời kỳ trước các sắc lệnh của chính quyền tiền nhiệm".

Tổng thống Joe Biden sau hơn 1 tuần tại Nhà Trắng: Những chính sách đối ngoại nào được ưu tiên? - Ảnh 1.

Tổng thống Biden ký sắc lệnh hành pháp đầu tiên trong số 15 sắc lệnh và 2 văn bản ký ngay sau lễ nhậm chức. Ảnh: AP

Sắc lệnh hành pháp là một phần trong quyền lực to lớn của Tổng thống Mỹ, để nhanh chóng thực thi các chính sách mà không phải thông qua Quốc hội. Chính vì vậy, trong Quốc hội Mỹ đang có những chỉ trích cho rằng Tổng thống Biden đang lạm dụng các sắc lệnh hành pháp, đi ngược lại lời hứa đoàn kết của ông. Ví dụ như một nhân vật quyền lực trong Quốc hội là lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell đã chỉ trích việc quay lại Thỏa thuận khí hậu Paris sẽ gây ra những khó khăn cho các gia đình lao động ở Mỹ.

Ông Biden sẽ cần phải có sự hậu thuẫn của Quốc hội để những chính sách mình triển khai mang tính ràng buộc về pháp lý. Đây sẽ là một thử thách trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai Đảng trong Quốc hội Mỹ đang lên cao như hiện nay.

Rất nhiều kỳ vọng không chỉ từ nội bộ trong nước mà cả các đồng minh và đối tác của Mỹ dành cho chính quyền mới của ông Biden.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng: "Nước Mỹ đã trở lại. Và châu Âu đã sẵn sàng cho sự hợp tác mới Xuyên Đại Tây Dương. Với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, EU và Mỹ đang tìm cách khởi động lại mối quan hệ và tìm kiếm điểm chung để giải quyết những thách thức toàn cầu.

Nhưng ấn nút restart lại các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh nền chính trị bị chia rẽ gay gắt trong nước và nhiều vấn đề nội bộ sẽ là thử thách lớn đối với ông Biden.

Một chính trị gia kỳ cựu, ông Chuck Hagel, cựu Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Obama và cũng là đồng nghiệp của ông Biden tại Thượng viện trong 12 năm, bình luận: "Nước Mỹ chưa bao giờ ở trong tình huống như thế này trước đây, cả trong và ngoài nước. Những gì ông Biden phải làm vượt qua cả nhiệm vụ trong 100 ngày đầu cầm quyền. Ông ấy sẽ phải ngay lập tức xây dựng lại và khôi phục các liên minh của Mỹ, đồng thời trấn an các đồng minh rằng Mỹ đang trở lại dẫn đầu cuộc chơi".

Ông Biden đang "ném đá dò đường" để đưa ra chính sách phù hợp với Nga

Một trong những thử thách đầu tiên là mối quan hệ giữa Washington và Moscow. Một điều hiển nhiên mà nước Mỹ thừa nhận, đó là quan hệ Mỹ-Nga đang ở điểm thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/1 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một số báo chí phương Tây bình luận cuộc điện đàm này cho thấy Biden đang "ném đá dò đường" để đưa ra chính sách phù hợp với Nga trong nhiệm kỳ của mình. Trong khi đó, báo chí Nga cho rằng đây là sự khởi đầu để hai bên tìm kiếm những điểm chung.

Ngày 29/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký luật gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), hiệp định chủ chốt cuối cùng về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Thành quả có được sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ 3 ngày trước đó mà không bên nào phải nhượng bộ bên nào.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Việc gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí New START là một bước đi đúng hướng. Như chúng ta đã biết, sự bất lực và không sẵn sàng tìm ra các giải pháp trong thế kỷ 20 đã dẫn đến thảm họa Chiến tranh thế giới thứ Hai".

Tổng thống Joe Biden sau hơn 1 tuần tại Nhà Trắng: Những chính sách đối ngoại nào được ưu tiên? - Ảnh 2.

Ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống bắt tay với Thủ tướng Nga Putin ở Moscow, Nga ngày 10/3/2011. Ảnh: AP

Còn theo bà Jen Psaki - Thư ký báo chí của Nhà Trắng: "Tổng thống từ lâu đã xác định Hiệp ước New START là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Và sự gia hạn này càng có ý nghĩa hơn khi mối quan hệ với Nga đang trong trạng thái đối đấu, như tại thời điểm này. New START là hiệp ước duy nhất còn lại hạn chế các lực lượng hạt nhân của Nga và là mấu chốt cho sự ổn định chiến lược giữa hai nước".

Mặc dù hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga nhất trí sẽ hợp tác để gia hạn Hiệp ước New START và tìm kiếm những khía cạnh khác cho sự hợp tác chiến lược tiềm năng, nhưng ông Biden vẫn có lập trường rõ ràng về sự ủng hộ của Mỹ với phía Ukraine xoay quanh vấn đề Crimea.

Trong khi đó, các trợ lý của ông Biden đã báo hiệu rằng họ muốn có quan điểm cứng rắn hơn với Moscow. Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói trước Thượng viện rằng ông ủng hộ việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine và mời Gruzia, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, tham gia Nato - các chính sách quyết đoán mà các tổng thống tiền nhiệm đều không ủng hộ.

Những tuyên bố đó của chính quyền Mỹ là một chỉ dấu cho thấy, chính quyền mới của Tổng thống Biden không hy vọng sẽ "tái thiết" quan hệ Nga - Mỹ mà thay vào đó muốn giải quyết những khác biệt.

Giới phân tích Mỹ cho rằng, với một chương trình nghị sự tập trung nhiều vào các vấn đề trong nước và những quyết định đang để ngỏ với Iran và Trung Quốc, sự đối đầu trực tiếp với Nga có lẽ không phải là những điều Tổng thống Mỹ tìm kiếm.

Còn quá sớm để nói về sự ấm lên trong quan hệ Nga - Mỹ

Nga và Mỹ đã đạt được gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) ngay sau khi Tổng thống Biden chính thức nắm quyền.

Giáo sư Boris Shmelev - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga phân tích: "Chính quyền của ông Trump đã áp đặt việc gia hạn START với các điều kiện mà Nga không thể chấp nhận, nhưng bản thân ông Biden và chính quyền mới đã chấp thuận việc gia hạn mà không cần đến điều kiện nào. Đây tất nhiên là bước tiến tích cực trong mối quan hệ Nga - Mỹ, đáp ứng được lợi ích của Nga cũng như của Mỹ. Nhưng điều này có nghĩa là quan hệ Nga - Mỹ sẽ có triển vọng tốt? Có nghĩa là sự đối đầu giữa hai nước sẽ bị loại bỏ? - Tôi nghĩ là không. Tôi cho rằng quan hệ của hai bên sẽ ở mức độ nếu người Mỹ thấy có lợi thì họ hợp tác, và Nga cũng hồi đáp những đề nghị mang tính tích cực. Nhưng chính sách đối đầu của Mỹ đối với Nga vẫn sẽ tiếp tục".

Tổng thống Joe Biden sau hơn 1 tuần tại Nhà Trắng: Những chính sách đối ngoại nào được ưu tiên? - Ảnh 3.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: New York Times

Cuộc điện đàm đầu tiên ngày 26/1 đã bộc lộ quan điểm như thế nào của chính quyền Biden về chiều hướng sắp tới của quan hệ Nga - Mỹ?

Theo Giáo sư Boris Shmelev, theo những thông tin có được từ cuộc đàm phán thì ông Biden vẫn giữ giọng điệu cứng rắn với Nga, thể hiện nhiều yêu cầu đối với chính sách Nga. Vẫn tồn tại điểm khác biệt cơ bản nhất giữa hai nước là sự nhìn nhận vị thế của mình trên thế giới. Nếu như Mỹ công nhận Nga là một đối tác lớn bình đẳng, nếu họ chấp thuận hợp tác cùng Nga trong việc giải quyết nhiều vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, nếu họ đưa ra những phương án thỏa hiệp, tôi nghĩ Nga sẽ phản hồi tích cực.

Nga rất quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Nói gì đi nữa Mỹ vẫn là một nhân tố tạo nên hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại, cả về chính trị lẫn kinh tế. Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ có ý nghĩa tích cực đối với Nga trong phát triển kinh tế và giải quyết được cả vấn đề trong nước. Nhưng điều đó không có nghĩa Nga sẵn sàng chấp thuận mọi yêu sách đến từ Mỹ. Tôi nghĩ rằng, triển vọng của quan hệ hai nước nằm ở chỗ có lợi ích cho cả hai bên, còn sự đối đầu giữa mối quan hệ này không thay đổi. Mối quan hệ này được tạo nên khi chính quyền ông Biden thể hiện sự khôn ngoan, có tầm nhìn xa và sẵn sàng với sự thỏa hiệp nhất định trong quan hệ với Nga.

Những thách thức đang cản trở sự hợp tác giữa hai cường quốc này là gì?

Vấn đề chính quyết định mối quan hệ của hai nước và định hình tính chất của mối quan hệ này nằm ở chỗ, Nga xem mình là trung tâm quyền lực độc lập, tự chủ, có lợi ích riêng trong quan hệ quốc tế và không thể thống nhất với tham vọng bá chủ của Mỹ trên thế giới. Nhưng cũng hàng loạt các vấn đề mà Mỹ và Nga có thể thống nhất hợp tác, như ông Biden xem xét lại cách tiếp cận với Iran, trở lại với các nguyên tắc đã được hình thành trước thời ông Trump. Hiện nay cũng có thể hợp tác giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên, hay quay trở lại với việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Afganistan như trước thời điểm của ông Trump.

Nhưng còn quá sớm để nói về sự ấm lên của mối quan hệ này. Ấm lên như thế nào? Nếu nói về việc Mỹ sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga. Không có điều đó. Các lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục và có thể còn được đẩy mạnh. Nói về sự ấm lên của mối quan hệ này khi Chính quyền mới của Mỹ từ chối những bước đi ông Trump thực hiện trước đó, vẫn là quá sớm.

Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ có vị trí quan trọng trong danh sách ưu tiên của chính quyền ông Biden?

Châu Á được nhận định rằng chắc chắn sẽ nằm ở trung tâm chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden. Ông đã bổ nhiệm chính trị gia kỳ cựu Kurt Campbell, cựu quan chức của chính quyền Obama làm phó trợ lý tổng thống và điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng an ninh quốc gia - một vị trí mới được tạo ra để đặc trách khu vực này.

Trong số các đồng minh phía bên kia Thái Bình Dương của Mỹ, Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc tăng cường quan hệ với chính quyền tân Tổng thống Joe Biden. Hàng loạt cuộc điện đàm từ cấp lãnh đạo tới cấp ngoại trưởng đều nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ Nhật Bản - Mỹ.

Tổng thống Joe Biden sau hơn 1 tuần tại Nhà Trắng: Những chính sách đối ngoại nào được ưu tiên? - Ảnh 4.

Ông Joe Biden đã lựa chọn miêu tả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cụm từ an ninh và thịnh vượng. Nguồn: EPA

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nói: "Đây là cuộc nói chuyện thứ hai của chúng tôi sau khi ông Biden thắng cử tổng thống. Chúng tôi đã có nhiều trao đổi quan trọng hơn trong lần này. Tôi muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ cá nhân của mình với tổng thống, cũng như củng cố liên minh Nhật - Mỹ".

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 trong Hiệp ước Hợp tác và an ninh tương hỗ được ký năm 1960.

Chính sách châu Á của tân Tổng thống Mỹ được thể hiện qua người đứng đầu ngành ngoại giao của mình. Ngay sau khi nhậm chức, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã điện đàm với người đồng cấp ở các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Động thái cho thấy Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ có vị trí quan trọng trong danh sách ưu tiên của chính quyền ông Biden.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines, ông Blinken cho biết Mỹ phản đối các tuyên bố chủ quyền trong vấn đề biển của Trung Quốc.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thái Lan, Ngoại trưởng Mỹ đã thảo luận về "tầm quan trọng của việc phối hợp nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng chung, đảm bảo an ninh và các giá trị chung trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Liệu ông Biden có tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc như người tiền nhiệm?

Bàn về sự can dự của Mỹ ở châu Á, chúng ta không thể không nhắc đến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc - trụ cột lớn trong chính sách giữa Mỹ và châu Á. Quan hệ Mỹ - Trung đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Có lúc chúng ta đã phải dùng tới từ Chiến tranh Lạnh để chỉ trạng thái của mối quan hệ này. Vậy, dưới thời của ông Biden, một câu hỏi đặt ra là liệu ông có tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc như người tiền nhiệm. Những động thái và tuyên bố đầu tiên của chính quyền Mỹ cho thấy điều gì về mối quan hệ này.

Ngay trong ngày nhậm chức của ông Joe Biden, Trung Quốc trừng phạt 28 quan chức Mỹ dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, trong đó có cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo mà không cần đợi những động thái của chính quyền mới. Một thông điệp cứng rắn gửi đi từ Bắc Kinh.

Bà Hoa Xuân Oánh - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân của Mỹ, những người phải chịu trách nhiệm chính trong việc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc".

Tổng thống Joe Biden sau hơn 1 tuần tại Nhà Trắng: Những chính sách đối ngoại nào được ưu tiên? - Ảnh 5.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh - Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu/VCG

Còn đây là tuyên bố của Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: "Trung Quốc chắc chắn là quốc gia đặt ra thách thức lớn nhất đối với Mỹ, về cả lợi ích quốc gia lẫn lợi ích của người dân Mỹ. Tôi cũng tin rằng ông Donald Trump đã đúng khi thực hiện cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Điều đó thực sự hữu ích đối với chính sách đối ngoại của chúng tôi".

Nếu như Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gây ngạc nhiên cho các nghị sĩ Cộng hòa khi thừa nhận cựu Tổng thống Donald Trump đã đúng khi thực hiện cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, thì Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng nêu quan điểm tương tự về Trung Quốc trong các phiên điều trần trước Thượng viện. Bà Yellen, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ gọi Bắc Kinh là "đối thủ chiến lược quan trọng nhất" của Washington.

Thông điệp chính thức về cách tiếp cận với Trung Quốc phát đi từ Nhà Trắng sau đó gói gọn trong hai chữ: "kiên nhẫn", gần với quan điểm "kiên nhẫn chiến lược" mà cựu Tổng thống Barack Obama từng dùng với Triều Tiên.

Bà Jen Psaki - Người phát ngôn Nhà Trắng nói: "Chúng tôi sẽ bắt đầu từ cách tiếp cận kiên nhẫn trong mối quan hệ với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ tham vấn với các đồng minh của mình, tham vấn với Đảng Dân chủ và Cộng hòa để xem xét và đánh giá cách chúng ta nên tiếp tục trong mối quan hệ với Trung Quốc".

Trong những phát biểu sau bầu cử, ông Joe Biden khẳng định chiến lược đối phó Trung Quốc là phải xây dựng liên minh của những đối tác và đồng minh có cùng quan điểm. Hay nói cách khác là cách tiếp cận "đa phương" và hợp tác cùng các nước đồng minh đối phó Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Ông Biden trong thời gian tranh cử cũng cho biết sẽ cứng rắn với Trung Quốc, dù phản đối cách ông Trump đơn phương tăng thuế nhập khẩu dẫn tới các màn cuộc chiến thuế quan.

Các chuyên gia đánh giá, chiến lược của ông Biden sẽ có sự khác biệt lớn so với Tổng thống Trump. Không phải là kiểu "gây sức ép tối đa" của ông Trump nhưng không có nghĩa quan hệ Mỹ - Trung sẽ được cải thiện trong vài năm tới. Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cách đây ít ngày nhấn mạnh, cả hai bên đều thiệt hại khi đối đầu và kêu gọi hợp tác chính là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai bên.

Các 'ông trùm công nghệ' chào đón tân Tổng thống Mỹ Joe Biden như thế nào? Các "ông trùm công nghệ" chào đón tân Tổng thống Mỹ Joe Biden như thế nào? Toàn văn bài phát biểu đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ Toàn văn bài phát biểu đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ Ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ Ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước