Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân tại sân bay Orly ở Paris, Pháp, ngày 5/6/2024 (Ảnh: AFP)
Mục đích của chuyến thăm châu Âu
Trong hai ngày 6 - 7/6, Tổng thống Biden sẽ tham dự lễ kỷ niệm ngày D-Day tại vùng Normandy, phía Tây Bắc nước Pháp và có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện. Sau đó, Tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tại quốc gia châu Âu này.
Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ông Biden kể từ vụ tấn công khủng bố ngày 7/10 do Hamas lãnh đạo, khiến 1.200 người ở Israel thiệt mạng và gây ra một cuộc trả đũa quân sự khiến khoảng 36.000 người ở Gaza thiệt mạng.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết bài phát biểu của Tổng thống Biden ở Normandy sẽ đề cập tới sự nguy hiểm của chủ nghĩa biệt lập. Ông Biden sẽ rút ra mối liên hệ từ hai cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và Chiến tranh Lạnh với việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho đến ngày nay.
Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ông Biden kể từ vụ tấn công khủng bố ngày 7/10 do Hamas lãnh đạo (Ảnh: AP)
Lễ kỷ niệm D-Day được đặt trong bối cảnh xung đột đang trở lại châu Âu và các nước NATO đang gia tăng sức mạnh quân sự. Tổng thống Biden được cho là sẽ tìm cách tăng cường mối quan hệ với các đồng minh xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với cuộc xung đột Nga - Ukraine, thách thức từ Trung Quốc và nguy cơ cuộc bầu cử ở Mỹ có thể làm đảo lộn trật tự địa chính trị hiện tại.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Tổng thống Biden thực sự tin rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang ở một thời điểm quan trọng trong lịch sử, gắn liền với những biến động địa chính trị và các thách thức đang đặt ra trên khắp thế giới.
Đứng giữa sự cô lập
Khi đến thăm Pháp trong tuần này, ông Biden được cho là sẽ tập hợp các nhà lãnh đạo châu Âu về phía mình và thể hiện sự quyết tâm trong các vấn đề về Ukraine và Israel. Nhưng theo các chuyên gia, ông cũng sẽ thách thức chính bản thân mình và gần như đứng một mình giữa các nền dân chủ phương Tây khi vẫn kiên quyết ủng hộ Israel tiếp tục tiến hành cuộc chiến ở Gaza.
Theo kế hoạch, Tổng thống Joe Biden cũng sẽ gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Normandy. Sau đó, trong tuần tới, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Apulia, Italy trong 2 ngày 13/6 và 14/6, và 3 tuần sau đó, ông sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập các quốc gia NATO tại Washington. Chuỗi cuộc gặp có thể sẽ đẩy ông Biden vào tình thế mà ông chưa từng trải qua kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ - "cô lập trong sự gắn kết".
Các đồng minh châu Âu đã liên kết chặt chẽ với Washington hơn 2 năm trong chiến dịch đa quốc gia nhằm đánh bại Nga trong cuộc chiến Ukraine nhưng bên cạnh đó là xu thế giảm ủng hộ đối với Israel đã dấy lên trong xã hội phương Tây kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự kéo dài nhằm đáp trả lực lượng Hamas tại Dải Gaza.
Tổng thống Joe Biden gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Tel Aviv tháng 10/2023 (Ảnh: Getty Images)
Ông John Kirby từng nói: "Những bất đồng với các đồng minh và đối tác không phải là điều gì mới mẻ đối với Tổng thống Biden nhưng trên hết vẫn là sự đoàn kết, hợp tác và cộng tác - điều mà ông Biden luôn cố gắng thúc đẩy".
Các cuộc gặp giữa ông Biden và các đồng minh diễn ra vào thời điểm quan trọng ở cả châu Âu và Trung Đông. Ukraine đang cố gắng chống lại một cuộc tấn công ngày càng leo thang của Nga, có nguy cơ chọc thủng tuyến phòng thủ phía Đông của nước này một cách dứt khoát sau 2 năm chiến đấu khốc liệt. Ở Trung Đông, Israel và Hamas đều đang chịu áp lực trước một thỏa thuận ngừng bắn có thể là cơ hội cuối cùng cho con đường hướng tới hòa bình bền vững trong khu vực.
Dan Fried, một nhà ngoại giao kỳ cựu đang làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho rằng: "Cách duy nhất để thoát khỏi tình thế khó xử như vậy là thúc đẩy cả hai vấn đề - giúp Ukraine làm tốt hơn hoặc giành chiến thắng và đưa Israel đi đến con đường hòa bình".
Theo kế hoạch, Tổng thống Joe Biden cũng sẽ gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Normandy trong tuần này (Ảnh: NBC News)
Tuy nhiên, sự khác biệt vẫn có thật và rõ ràng. Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy đã chính thức công nhận một Nhà nước Palestine độc lập vào tuần trước, chỉ vài ngày sau khi Tòa án Công lý Quốc tế ra lệnh cho Israel dừng cuộc tấn công quân sự vào thành phố Rafah ở miền Nam Gaza. Hầu hết các chính phủ châu Âu đều tán thành cáo buộc tội ác chiến tranh chống lại Israel tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Peter Rough, Giám đốc Trung tâm châu Âu và Á - Âu tại Viện Hudson và là cựu trợ lý của Tổng thống George W. Bush, cho rằng: "Tôi nghĩ rằng mâu thuẫn nằm ở chính sách của Mỹ. Ở Ukraine, ông Biden ủng hộ Ukraine chống lại liên minh Nga - Iran, trong khi ở Gaza, ông ấy đang quản lý Israel, thậm chí còn hạn chế nước này vì đối đầu với lực lượng ủy nhiệm của Iran".
Eric Rubin, một nhà ngoại giao lâu năm của Mỹ, cho biết: "Tôi hoàn toàn không chắc chắn rằng ông Biden đã đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong vấn đề Israel ở Gaza, mặc dù tôi thừa nhận rằng ông ấy đang ở trong tình thế khó khăn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!