Tổng thống Ukraine gạt đề xuất hòa bình của Trung Quốc

Đàm Linh (Theo Kyiv Independent, Newsweek)-Thứ sáu, ngày 13/09/2024 21:01 GMT+7

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích sáng kiến hòa bình mà ông cho là mang tính “phá hoại” của Trung Quốc và Brazil.

Sáng kiến hòa bình "phá hoại"

Ông Zelensky đưa ra ý kiến trên trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Metropoles của Brazil được công bố vào ngày 12/9.

"Hoặc là ủng hộ hoặc là không ủng hộ chiến tranh. Nếu không ủng hộ thì hãy giúp chúng tôi ngăn chặn Nga" - Tổng thống Zelensky nói - "Sự thỏa hiệp để từ bỏ đất đai? Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng sáng kiến đó mang tính phá hoại. Đó chỉ là một tuyên bố chính trị".

"Kế hoạch này thiếu sự tôn trọng đối với Ukraine và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi", ông Zelensky nói thêm.

Tổng thống Ukraine gạt đề xuất hòa bình của Trung Quốc - Ảnh 1.

Bản đồ mô tả các vùng chiếm đóng của Moscow và Kiev trên lãnh thổ Ukraine (Ảnh: Sky News)

Brazil và Trung Quốc đã gợi ý một kế hoạch hòa bình "6 điểm" vào tháng 5 kêu gọi cả Nga và Ukraine tránh "leo thang thù địch" và "khiêu khích".

Kế hoạch này được đưa ra song song với các nỗ lực hòa bình của Ukraine dựa trên công thức "10 điểm" của Tổng thống Zelensky, bao gồm cả hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 vừa qua.

Trung Quốc đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh mặc dù được mời, trong khi đại diện Brazil có mặt nhưng không ký vào thông cáo chung. Tài liệu này chủ yếu được các đối tác phương Tây truyền thống của Ukraine ủng hộ, cho thấy Kiev đã không thành công trong việc thu hút các nước Nam bán cầu.

Kế hoạch hòa bình "6 điểm" của Trung Quốc và Brazil

Nội dung sáng kiến nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine của hai quốc gia này gồm:

- Không leo thang hoặc khiêu khích từ cả hai bên.

- Một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine chấp nhận, bao gồm "thảo luận công bằng" về mọi kế hoạch hòa bình.

- Tăng cường viện trợ để "ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên quy mô lớn hơn", cũng như trao đổi tù binh chiến tranh và không tấn công dân thường.

- Mọi nỗ lực có thể phải được thực hiện để "ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tránh khủng hoảng hạt nhân".

- Các cuộc tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân hòa bình khác "phải dừng lại".

- Tăng cường hợp tác quốc tế về một số vấn đề nhằm "bảo vệ sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu".

Trước đây, Moscow từng tuyên bố sẽ chấp nhận Brazil và Trung Quốc làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình. Tuy vậy, hai quốc gia này đã từ chối công khai đứng về phe nào trong cuộc chiến nhưng Trung Quốc vẫn âm thầm đóng vai trò là "đường dây kinh tế" quan trọng của Nga và là nguồn cung cấp hàng hóa có mục đích sử dụng kép.

Nga, Ukraine chưa tìm được tiếng nói chung

Moscow nêu rõ Ukraine phải từ bỏ lãnh thổ bị chiếm đóng và nhượng bộ thêm đất đai làm điều kiện cho các cuộc đàm phán. Đổi lại, công thức hòa bình "10 điểm" của Kiev lại bao gồm việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi nước này.

Khoảng 44% người Ukraine hiện ủng hộ các cuộc đàm phán giữa hai bên, theo một cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Razumkov công bố vào tháng 7. Đáng chú ý, 76% cho biết họ tin rằng Tổng thống Nga Putin sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận theo các điều khoản mà ông đưa ra.

Tổng thống Ukraine gạt đề xuất hòa bình của Trung Quốc - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Putin gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thành phố Saint Petersburg, ngày 12/9 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Phát biểu tại Saint Petersburg, ông Putin nói với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm Nga rằng ông mong muốn được gặp "người bạn" là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia BRICS vào tháng tới tại thành phố Kazan, phía Tây Bắc nước Nga, theo một bản thông báo do Bộ Ngoại giao Nga công bố.

Theo tuyên bố của Bộ ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi về vấn đề Ukraine, ông Putin cho biết Nga luôn cởi mở với các cuộc đàm phán hòa bình. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với kế hoạch hòa bình "6 điểm" mà Trung Quốc và Brazil đã đưa ra vào đầu năm nay, trong đó nhấn mạnh "đối thoại và đàm phán" là biện pháp "khả thi" duy nhất để giải quyết xung đột.

Hiện Ukraine và Nga vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung trong các điều kiện có thể đưa đến những cuộc đàm phán hòa bình. Ukraine yêu cầu Nga rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ của mình, bao gồm cả Crimea, nơi đã bị Moscow sáp nhập vào năm 2014; tìm kiếm sự bồi thường, trách nhiệm giải trình về tội ác chiến tranh của Nga và sự đảm bảo về chủ quyền lãnh thổ...

Trong khi đó, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng Ukraine cần chấp nhận mất lãnh thổ của mình, với các khu vực do Nga chiếm đóng là Donetsk, Luhansk và Crimea, đồng thời yêu cầu Kiev từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO...

Phương Tây sẽ xung đột trực tiếp với Nga nếu cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa Phương Tây sẽ xung đột trực tiếp với Nga nếu cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa Chuyến thăm Kiev của Ngoại trưởng Mỹ mở ra tín hiệu khả quan cho Ukraine Chuyến thăm Kiev của Ngoại trưởng Mỹ mở ra tín hiệu khả quan cho Ukraine Rộ bằng chứng việc Nga nhận tên lửa từ Iran để sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine Rộ bằng chứng việc Nga nhận tên lửa từ Iran để sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước