Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh David Lammy gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, ngày 11/9. (Ảnh: AP)
Cam kết đồng hành cùng Ukraine
Ngày 11/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh David Lammy đã đến thủ đô Kiev của Ukraine để tham dự một loạt cuộc họp với giới chức nước chủ nhà nhằm thảo luận về vấn đề hỗ trợ cho quốc gia Đông Âu này.
Trong một chuyến đi chung hiếm hoi, ông Blinken đã di chuyển bằng tàu hỏa hơn 9 tiếng từ Ba Lan đến Kiev cùng với Ngoại trưởng David Lammy, nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Lao động mới thành lập được 2 tháng, với tuyên bố sẽ duy trì vai trò của Anh là người bảo vệ chính cho Ukraine.
Trong các cuộc đàm phán ba bên với người đồng cấp Ukraine, ông Blinken cho biết chuyến thăm đã gửi đi một "thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi cam kết đồng hành cùng Ukraine để đi đến chiến thắng".
Ông Lammy cũng hứa Anh sẽ hỗ trợ Ukraine cho đến khi cuộc chiến do Nga phát động chấm dứt.
Anh, Mỹ cam kết tiếp tục đồng hành cùng Ukraine đi đến chiến thắng (Ảnh: Official State Department)
Chuyến thăm thứ 5 của ông Blinken tới Kiev kể từ đầu cuộc xung đột diễn ra vào thời điểm căng thẳng khi Nga đang tiến vào trung tâm hậu cần quan trọng Pokrovsk ở khu vực Donetsk phía Đông Ukraine và hai bên giằng co tại khu vực Kursk.
Trong những tháng gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không ngừng yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí có hỏa lực mạnh hơn và ít hạn chế hơn.
Trước chuyến thăm này, khi được hỏi liệu Washington có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu của Nga hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chúng tôi đang giải quyết vấn đề này ngay bây giờ".
Mặc dù ủng hộ mạnh mẽ Ukraine nhưng ông Biden từng khẳng định ông muốn tránh chuyển thành xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga - hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.
Phát biểu tại London (Anh) ngày 10/9, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine "những gì họ cần để đạt hiệu quả nhất trong việc đối phó với hành động tấn công của Nga".
Nỗi lo sợ từ tên lửa Iran
Khi được hỏi về phản ứng trước diễn biến hiện nay, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên ngày 11/9 rằng Nga sẽ hành động "phù hợp" mà không cung cấp thông tin chi tiết cụ thể.
Ông Peskov cho biết việc phương Tây ủng hộ Ukraine tấn công lãnh thổ Nga là "bằng chứng rõ ràng nhất" về lý do tại sao Moscow phát động cuộc chiến.
Ukraine đã có thêm động lực khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 10/9 thông báo đạt được một thỏa thuận cấp sơ bộ, có thể mở ra cánh cửa hỗ 1,1 tỷ USD cho quốc gia Đông Âu vốn đang phải chống chọi với các cuộc không kích dữ dội của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng khi mùa đông đang đến gần.
Tuy nhiên, trên mặt trận quân sự, Mỹ cho biết họ tin rằng Nga có thể bắt đầu sử dụng tên lửa tầm ngắn do Iran sản xuất vào Ukraine trong vài tuần tới.
Hệ thống tên lửa chiến thuật (ATACMS) của quân đội Mỹ (Ảnh minh họa: AP)
Việc gặp khó khăn về tài chính đã thúc đẩy Tehran bán tên lửa cho Nga bất chấp những cảnh báo liên tục từ các cường quốc phương Tây, những nước đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với quốc gia Hồi giáo này.
Đầu năm nay, Mỹ đã chấp thuận cho Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lực lượng Nga khi xảy ra xung đột trực tiếp qua biên giới.
Các phương tiện truyền thông Anh đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden, người sẽ gặp Thủ tướng Keir Starmer vào ngày 12/9, đã sẵn sàng chấm dứt các phản đối đối với việc cho phép Ukraine bắn tên lửa Storm Shadow tầm xa vào Nga.
Tờ Guardian hôm 11/9 đưa tin Anh đã bật đèn xanh cho việc Ukraine có thể sử dụng tên lửa Storm Shadow. Anh đã nhiều lần thúc giục Mỹ, nhà cung cấp quân sự lớn nhất cho Ukraine, phải tiến xa trong việc nới lỏng quy định sử dụng vũ khí đối với Kiev.
Trong một bức thư chung gửi cho ông Biden, các thành viên lãnh đạo của Quốc hội từ đảng Cộng hòa đối thủ đã yêu cầu ông hành động ngay lập tức đối với Hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS. Tuy vậy, đảng Cộng hòa đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề Ukraine và nếu chiến thắng của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump trước bà Harris trở thành sự thật thì chính sách của Mỹ đối với Ukraine được cho là sẽ thay đổi đáng kể.
Các trợ lý của ông Trump đã gợi ý rằng nếu thắng cử, cựu Tổng thống sẽ tận dụng viện trợ để buộc Kiev phải nhượng bộ lãnh thổ cho Nga nhằm chấm dứt chiến tranh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!