Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ Hệ thống năng lượng bức xạ của Trái đất (CERES), vệ tinh quan sát Trái đất của NASA và đo lường mức năng lượng mà Trái đất hấp thụ từ ánh sáng mặt trời và năng lượng phát xạ trở lại không gian dưới dạng bức xạ hồng ngoại.
Sự mất cân đối giữa năng lượng hấp thụ và phát xạ trở lại được gọi là sự mất cân bằng năng lượng. Và nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn từ 2005 đến 2019, sự mất cân bằng năng lượng đã tăng gấp 2 lần so với những năm trước đó.
Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu bổ sung từ Argo, một mạng lưới cảm biến robot quốc tế được phân phối trên khắp các đại dương trên thế giới, đo tốc độ nóng lên của những đại dương. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc so sánh dữ liệu CERES với Argo đã giúp củng cố kết quả nghiên cứu vì các đại dương trên toàn cầu được biết đến là nơi hấp thụ tới 90% năng lượng dư thừa (từ sự mất cân bằng năng lượng) mà Trái đất giữ lại.
Norman Loeb, tác giả chính của nghiên cứu mới và là nhà điều tra chính của CERES tại NASA, Trung tâm Nghiên cứu Langley ở Hampton, Virginia, cho biết trong một tuyên bố: "Đây là 2 phương pháp độc lập để xem xét những thay đổi về sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất và cả hai đều cho thấy xu hướng rất lớn này. Và chúng tôi nhận thấy xu hướng này là khá đáng báo động".
Trái đất hấp thụ nhiệt lượng nhiều hơn, trong khi phát xạ năng lượng trở lại không gian ít hơn. (Ảnh: AP)
Loeb và các cộng sự kết luận rằng, sự gia tăng nhiệt là kết quả của quá trình xảy ra trong tự nhiên cũng như do con người tạo ra. Sự gia tăng nồng độ các loại khí nhà kính như carbon dioxide và methane trong bầu khí quyển của Trái đất dẫn đến tình trạng hành tinh của chúng ta bị giữ lại nhiều nhiệt hơn.
Trong khi đó, do nhiệt độ toàn cầu tăng lên, kích thước các tảng băng bị thu hẹp lại, dẫn đến năng lượng truyền đến được phản xạ ra khỏi bề mặt Trái đất ít hơn.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, một mô hình lặp lại trong tự nhiên được gọi là Dao động suy giảm Thái Bình Dương (PDO) cũng đang góp phần vào quá trình này. Theo đó, chu kỳ PDO gây ra những biến động thường xuyên về nhiệt độ của Thái Bình Dương với phần phía Tây trở nên lạnh hơn và khu vực phía Đông ấm lên trong 10 năm, theo xu hướng ngược lại một thập kỷ sau đó. Các nhà khoa học cho biết, một giai đoạn PDO cường độ cao bất thường bắt đầu vào khoảng năm 2014 đã làm giảm sự hình thành mây trên đại dương, điều này cũng dẫn đến việc Trái đất tăng khả năng hấp thụ năng lượng truyền tới.
Nghiên cứu được công bố ngày 15/6 trên tạp chí Geophysical Research Letters.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!