Tại một trong những trạm thu phí không dừng ở bang California, cũng giống như bất kỳ trạm thu phí không dừng khác trên toàn nước Mỹ, dù công nghệ khác nhau song về cơ bản, trạm gồm 3 cấu phần: hệ thống nhận dạng xe tự động, hệ thống phân loại xe tự động và hệ thống giám sát bằng hình ảnh. Khi một xe ô tô qua trạm, các camera sẽ ghi lại hình ảnh và biển số của xe, hệ thống cảm biến sẽ tự động nhận dạng, đo kích thước và thời gian chiếc xe đi qua để tính mức phí tương ứng.
Sau đó, tất cả thông tin sẽ được chuyển về máy chủ xử lý. Nếu chiếc xe đã được đăng ký, phí sẽ được tính vào tài khoản đã đăng ký. Ngược lại, biên lai sẽ được gửi tới địa chỉ của chủ xe. Nếu việc thanh toán không được thực hiện trong vòng 30 ngày, mức phí có thể bị tăng gấp đôi.
Để tạo thuận lợi cho khách hàng, nhiều trạm thu phí vẫn tồn tại cả 3 hệ thống: thu phí tự động, thu phí bán tự động và bốt có người thu phí. Theo Bộ Giao thông Mỹ, mỗi bốt có người thu phí chỉ có thể phục vụ tối đa 300 xe/giờ, trạm thu phí bán tự động chỉ tối đa 500 xe/giờ, trong khi mỗi hệ thống thu phí không dừng có thể phục vụ 1.800 xe/giờ với độ chính xác lên tới 98%. Theo đó, các trạm thu phí không dừng đem lại hiệu quả, độ chính xác và tính minh bạch cao, giúp cắt giảm một khoản không nhỏ chi phí nhân công, chi phí nhiên liệu, thời gian cũng như giúp giảm ô nhiễm môi trường.
Hiện trên toàn nước Mỹ, vốn đầu tư cho các dự án đường thu phí đều được huy động từ các lĩnh vực tư nhân dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, việc quản lý và thu phí lại thuộc về các Ban quản lý trực thuộc Sở Giao thông của các thành phố nơi các tuyến đường này đi qua. Điều quan trọng là ở mỗi Ban Quản lý này đều có Hội đồng Giám sát bao gồm đại diện chủ đầu tư, các công ty tư nhân tham gia góp vốn và cả người dân. Điều này tạo nên sự minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!