Không tuyên chiến, những loạt đại bác từ tàu chiến Schleswig-Holstein của Đức Quốc xã đã bất ngờ tấn công cảng biển Westerplatte của Ba Lan vào 5h45 ngày 1/9/1939. Cuộc tấn công vào Ba Lan mở ra một dạng thức chiến tranh mới: chiến tranh chớp nhoáng. Hàng chục nghìn binh lính Đức với vũ khí hạng nặng, được tiếp sức bằng những máy bay ném bom đã vượt qua biên giới và Chiến tranh thế giới thứ II bắt đầu.
Quân đội Ba Lan chống trả quyết liệt nhưng vẫn yếu thế hơn hẳn so với quân đội Đức vừa đông lại vừa mạnh. Cuối cùng, họ chỉ có thể tập trung vào việc bảo vệ Thủ đô Warsaw. Đích thân Hitler bay tới từ Berlin dõi theo cuộc bao vây này.
Sau 4 tuần bị ném bom, Warsaw buộc phải đầu hàng quân đội Đức vào ngày 27/9. Hơn 60.000 binh lính Ba Lan và 25.000 dân thường đã thiệt mạng chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tháng. Cho tới cuối cuộc chiến tranh kéo dài 6 năm, tổng cộng đã có 6 triệu người Ba Lan bị giết.
80 năm đã trôi qua từ sau những sự kiện đau thương này, người Ba Lan nhìn lại cuộc chiến này với sự bao dung.
Ngài Wojciech Gerwei, Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi ghi nhớ lịch sử, tuy nhiên chúng tôi vẫn sống bằng hiện tại. Chúng tôi chấp nhận quá khứ đó, đi tiếp và tha thứ. Ba Lan và Đức là 2 nước láng giềng có mối quan hệ hòa thuận, tốt đẹp. Chúng tôi vẫn tiếp tục sống tiếp và hướng tới tương lai".
Một bức tranh sơn dầu quý giá vừa được gia đình một cựu quân nhân Đức trao trả cho Ba Lan. Cùng với đó là hơn 1.400 bức ảnh do chính người lính này chụp đời sống Ba Lan những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Hợp tác quốc tế và gìn giữ nền hòa bình quý giá là bài học mà hậu thế ngày hôm nay vẫn thấm thía từ cuộc chiến bắt đầu tròn 80 năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!