Nhiều nước trên thế giới đang thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân nhưng vẫn còn không ít những câu hỏi được đưa ra. Trong đó, mối quan tâm lớn nhất có lẽ là bao giờ vaccine mới có thể mang đến một cuộc sống bình thường trở lại cho các xã hội? Nhiều bài báo trong tuần qua cho rằng, khu vực Trung Đông rất có thể sẽ có được câu trả lời sớm nhất cho vấn đề này, khi một số quốc gia tại đây đang đạt tốc độ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 nhanh nhất thế giới.
Hiện 3 quốc gia đang đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới đều ở Trung Đông, đó là Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain. Đặc biệt, Israel thậm chí còn đặt mục tiêu sẽ có thể tiêm hết cho toàn bộ dân số, những người trên 16 tuổi, ngay trước cuối tháng 3 này.
Thời báo Israel ví von, những cuộc thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trước đây dù rất ý nghĩa nhưng cũng chỉ giống như những thăm dò trước một cuộc bầu cử. Kết quả thực sự không phải lúc nào cũng giống như kết quả thăm dò. Israel được kỳ vọng sẽ đem đến câu trả lời chân thực từ việc mất bao lâu thì có thể đạt được miễn dịch, miễn dịch sau mỗi lần tiêm vaccine có thể kéo dài bao lâu?
Israel, UAE và Bahrain là 3 quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới.
Mục tiêu các quốc gia đặt ra là phải tiêm phòng vaccine được ít nhất cho 70% dân số, để từ đó tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, chưa ai biết được miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 có thể diễn ra như thế nào và chính xác đến lúc nào mới diễn ra.
Tuy nhiên, theo trang mạng Ynet News (Israel), những kết quả ban đầu mà nước này thu nhận được là khá đáng khích lệ. Theo đó, sau 14 ngày tiêm mũi đầu tiên vaccine Pfizer/BioNTech cho người dân, tỷ lệ nhiễm khảo sát trong số 200.000 người được ghi nhận ở mức giảm hơn 30%. Cần lưu ý, đây mới chỉ là kết quả sau khi tiêm mũi thứ nhất, trong khi vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNtech yêu cầu phải tiêm 2 mũi mới hoàn tất liệu trình.
Theo khảo sát, tại Mỹ, hiện có đến hơn 30% số người được hỏi chống lại việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia Trung Đông thấp hơn nhiều. Đây là lý do khiến nhiều hãng dược phẩm muốn tận dụng các nước Trung Đông như Israel để hoàn thiện vaccine ngừa COVID-19 của mình.
Hãng Pfizer/BioNTech đã đạt thỏa thuận với Israel. Theo đó, hãng sẽ ưu tiên cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho Israel, đổi lại nước này sẽ cung cấp cho hãng các thông tin y tế của người tiêm vaccine. Thỏa thuận này được cho là thiết yếu, giúp các nhà khoa học đánh giá được tác động lâu dài của vaccine và mối tương quan của nó với những tình trạng sức khỏe khác nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!