Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tiếp nhận rác thải nhựa từ mọi nơi trên thế giới để tái chế thành những nguyên liệu chất lượng cao hơn và sử dụng trong sản xuất. Đầu năm 2018, Chính phủ nước Trung Quốc đã ban lệnh cấm trên để bảo vệ môi trường cũng như chất lượng không khí. Theo Tổ chức Tái chế quốc tế có trụ sở tại Brussels (Bỉ), với vai trò là thị trường tái chế lớn nhất thế giới, quyết định của Trung Quốc chẳng khác nào một cơn địa chấn với thị trường toàn cầu.
Sau lệnh cấm, lượng rác thải nhập vào Trung Quốc giảm từ mức 600.000 tấn/tháng của năm 2016 xuống còn 30.000 tấn/tháng vào năm 2018. Lệnh cấm lập tức làm gián đoạn nghiêm trọng dòng luân chuyển hơn 7 triệu tấn rác thải nhựa (trị giá khoảng 3,7 tỷ USD) mỗi năm, khiến các quốc gia phát triển chật vật tìm nơi "đổ rác".
Không thể làm ăn tại Trung Quốc, nhiều nhà tái chế bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất tới các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á. Một báo cáo của Liên minh Toàn cầu các biện pháp thay thế đốt rác (GAIA) và Hòa bình Xanh Đông Á được công bố vào ngày 23/4 cảnh báo, các quốc gia châu Á đang trở thành "vựa" chứa nhựa tái chế toàn cầu bởi ở nơi đây, rác thải nhựa được thải loại, chôn giấu và đốt một cách bất hợp pháp với những quy định quản lý lỏng lẻo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!