Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Đối thoại Shangri-La 2023. (Ảnh: Reuters)
Đề xuất gồm 4 điểm về cách thức theo đuổi hợp tác an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, qua đó cho thấy tầm nhìn của Trung Quốc trong định hình cấu trúc an ninh, ứng phó các thách thức đặt ra.
Điểm đầu tiên trong đề xuất mới về cách thức theo đuổi hợp tác an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nêu ra là tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp các công việc nội bộ hay những vấn đề khu vực khác, từ đó tránh các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Trung Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và sự tự chủ chiến lược của hiệp hội.
Thứ hai là đề cao sự công bằng và bình đẳng, không áp dụng luật riêng. Tất cả các quốc gia, không phân biệt nước lớn, nước nhỏ hay nước giàu, nước đang phát triển, đều là các thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế. Những vấn đề quốc tế nên được tất cả các nước xử lý thông qua tham vấn hơn là chỉ một nhóm nhỏ quyết định.
Bộ trưởng Lý Thượng Phúc nhấn mạnh, Trung Quốc ủng hộ duy trì hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc là trung tâm, trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế dựa trên những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Thứ ba là loại bỏ xung đột và đối đầu với sự tin tưởng và tham vấn lẫn nhau. Bộ trưởng Lý Thượng Phúc nêu rõ, chỉ có tăng cường đối thoại và liên lạc, thúc đẩy đoàn kết và hợp tác mới có thể đảm bảo ổn định trong khu vực
Thứ tư là ngăn chặn nguy cơ đối đầu trong khu vực trên tinh thần cởi mở và bao trùm. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu rõ, ngày nay, hợp tác an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải là những "mảnh ghép lớn" về hợp tác rộng mở và bao trùm.
Trước đó, tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã cảnh báo về nguy cơ hình thành các liên minh quân sự tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông Lý Thượng Phúc, điều mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần hiện nay là sự hợp tác cởi mở và toàn diện. Các liên minh như vậy có thể đẩy khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào vòng xoáy xung đột.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!