Các số liệu thống kê được theo dõi bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, tỷ lệ dự trữ vàng và ngoại tệ chính thức của đồng USD đã giảm xuống mức thấp gần ba thập kỷ, ở mức 58% trong quý IV/2022.
Động thái này được cho là diễn ra dần dần. Và tỷ lệ dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương bằng đồng USD hiện gần như giảm xuống mức được thấy lần cuối vào năm 1995.
Vị thế lâu dài của đồng USD với tư cách là đồng tiền thống trị thế giới đã bị xói mòn dần trong những năm gần đây trong bối cảnh lo ngại về nợ công của Mỹ tăng vọt và các biện pháp trừng phạt được áp đặt trên phạm vi rộng sử dụng đồng USD làm đòn bẩy.
Theo Stephen Jen, Giám đốc điều hành của Eurizon SLJ Capital Limited, sự thay đổi này rõ ràng hơn khi được điều chỉnh theo tỷ giá hối đoái.
Ông Stephen Jen nói: "Những gì đã xảy ra vào năm 2022 là tỷ trọng đồng USD giảm mạnh theo giá trị thực," đồng thời gọi sự sụt giảm này là phản ứng đối với việc đóng băng một nửa trong số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga.
Ông Jen nhận định, bước quyết liệt này đã khiến các quốc gia như Saudi Arabia, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ phải suy nghĩ lại về việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của họ sang các loại tiền tệ khác.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tỷ lệ đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch ngoại hối phi tập trung toàn cầu đã tăng từ gần 0% cách đây 15 năm lên 7%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!