Vaccine COVID-19 - Câu chuyện dài của thế giới

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 21/02/2021 10:54 GMT+7

VTV.vn - Cung cấp vaccine, ngoại giao vaccine, hay làm thế nào để vượt qua những trở ngại của chiến dịch tiêm chủng... sẽ còn là câu chuyện dài của thế giới.

Ngày 15/2, Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca mắc mới đã giảm 6 tuần liên tiếp và giảm tổng cộng gần một nửa, từ hơn 5 triệu ca/tuần vào thời điểm ngày 4/1 xuống còn 2,7 triệu ca trong tuần qua. "Điều này cho thấy các khuyến cáo y tế công cộng đơn giản đã có hiệu quả, ngay cả khi có sự hiện diện của các biến thể mới. Điều quan trọng ở đây là chúng ta nên phản ứng với xu hướng này như thế nào. Ngọn lửa vẫn chưa tắt dù chúng ta đã giảm kích thước của nó. Nếu ngừng chiến đấu trên bất kỳ mặt trận nào, dịch COVID-19 sẽ bùng phát trở lại".

Các ca nhiễm mới ở nhiều khu vực đang giảm

Sau khoảng ba tháng, Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID 19, số ca mắc mới tính theo ngày đã giảm xuống mức dưới 100 nghìn. Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn duy trì ở mức cao so với mùa hè năm trước.

Bà Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết: "Nói chung tin tốt là tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ nhập viện đang giảm, từ một mức cực kỳ cao. Nhưng số ca nhập viện cũng như số ca mắc mới vẫn cao gấp đôi so với mức đỉnh trong suốt mùa hè".

Vaccine COVID-19 - Câu chuyện dài của thế giới - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho một phụ nữ ở thành phố New York, Mỹ ngày 23/1. Ảnh: Reuters

Tại Ấn Độ, quốc gia bị ảnh hưởng thứ hai, số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm mạnh xuống 11 nghìn ca, so với mức cao nhất là 100 nghìn ca. Mức giảm tới 90% số ca nhiễm mới như thế này khiến giới chuyên gia cũng ngạc nhiên.

Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu là Nga cũng có những dấu hiệu tích cực, số ca nhiễm mới ở nước này giảm dần từ đâu năm nay.

Số liệu cũng cho thấy số ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn cầu đã giảm gần một nửa so với con số hơn 5 triệu ca trong tuần từ 4/1 và tới nay là 6 tuần liên tiếp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới giảm liên tục. Con số này cho thấy hiệu quả của các biện pháp y tế cộng đồng.

Ông Michael Ryan - Giám đốc chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO: "Mục tiêu chính của vaccine hiện nay là giảm số ca nhập viện và tử vong, dữ liệu của tất cả các loại vaccine đang cho thấy điều đó. Chúng ta có thể cần thế hệ vaccine thứ hai hoặc thứ ba để làm được nhiều hơn thế. Chúng ta đã có các công cụ để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh ở cấp cộng đồng".

Theo khu vực, ngoại trừ khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận số ca mắc mới tăng 7%, thì số ca mắc mới ở các khu vực khác đều giảm. Cụ thể, tại châu Phi và Tây Thái Bình Dương, số ca nhiễm mới COVID-19 giảm 20% trong tuần trước, châu Âu giảm 18%, châu Mỹ giảm 16% và Đông Nam Á giảm 13%.

Các chuyên gia nói gì về hiện tượng các ca nhiễm mới đang giảm ở các khu vực này?

Tại Mỹ

Thứ nhất là hành vi, có lẽ cuối cùng người Mỹ cũng hiểu tác dụng của chiếc khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Dữ liệu của Google cho thấy phần lớn người Mỹ đã ở nhà sau kỳ nghỉ đông và việc đeo khẩu trang được coi là bắt buộc tại hầu hết các bang nếu không muốn bị phạt. Thứ hai, nhiều người Mỹ có thể đã có được khả năng miễn dịch một phần với COVID-19. Ước tính của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ CDC, 15-30% người Mỹ trưởng thành đã bị nhiễm COVID-19. Những người phục hồi sau đó thường sẽ có khả năng miễn dịch trong nhiều tháng. Thứ ba là chiến dịch tiêm vaccine.

Vaccine COVID-19 - Câu chuyện dài của thế giới - Ảnh 2.

Ấn Độ hứa tiêm vaccine COVID miễn phí cho hơn tỉ dân. Trong ảnh: Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan (Business Today)

Ấn Độ

Số ca nhiễm mới của Ấn Độ giảm tới 90% so với mức đỉnh hồi tháng 9 năm ngoái thực là một bất ngờ đối với Ấn Độ. Giới chức y tế nước này cho biết, số mẫu xét nghiệm mà họ thực hiện mỗi ngày là không hề giảm. Trong khi các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mới được khởi động từ tháng 1 năm nay, khó mà đã có thể tạo ra kết quả giảm tới 90%, đặc biệt tại một đất nước mà dân số 1,4 tỷ dân. Một trong những nguyên nhân đầu tiên được phỏng đoán là hiệu quả của các chiến dịch bắt buộc đeo khẩu trang. Ngoài ra, có một khả năng khác là có thể Ấn Độ, ở một số nơi đã đạt miễn dịch cộng đồng.

Gần đây Hội đồng Y khoa Ấn Độ đã tiến hành một cuộc khảo sát về tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, trong đó những gì mà họ thu được là tới ¼ được khảo sát có kháng thể COVID-19, tức là đã từng nhiễm COVID-19. Tất nhiên đây mới chỉ là phỏng đoán, không ai dám chắc chắn điều gì. Đồng thời, việc xuất hiện các biến thể của virus gần đây cũng cảnh báo cuộc chiến chống lại COVID-19 tại Ấn Độ vẫn sẽ còn nhiều thách thức.

Nga

Số các ca nhiễm mới COVID-19 tại Nga trong những ngày gần đây đang giảm mạnh, với khoảng 13 nghìn ca/ngày, tức là đã giảm hơn một nửa so với thời điểm cách đây 2 tháng. Xu hướng giảm này theo các chuyên gia được cho là do các biện pháp phòng ngừa và khả năng miễn dịch cộng đồng đã được hình thành trong dân số nhờ vào những người đã khỏi bệnh và những người đã được tiêm phòng. Có đến từ 20 đến 70% dân số Nga được cho là đã có miễn dịch với COVID-19, tỷ lệ này thay đổi tùy theo khu vực.

Vaccine COVID-19 - Câu chuyện dài của thế giới - Ảnh 3.

Tiêm phòng vaccine Sputnik-V giúp các công dân Việt Nam tại Nga tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm cao virus SAR-CoV-2 trong quá trình làm việc. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cũng khẳng định thống kê này mới chỉ được xác định trên số liệu các trường hợp đã nhiễm COVID-19, và điều này chưa đủ để kiểm soát tình hình dịch tễ học ở Nga, và các biến chủng của virus vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với những người chưa nhiễm bệnh và chưa được tiêm phòng.

Tiêm vaccine - tấm lá chắn ngăn ngừa virus SARS-CoV-2

Hiện có khoảng 60 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân Mỹ. Với tốc độ tiêm vaccine như hiện nay phần nào giúp cho người Mỹ có thêm tấm lá chắn bảo vệ trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.

Ước tính trên 12% dân số Mỹ đã được tiêm chích ngừa, trong đó phần lớn là người lớn tuổi, nhân viên y tế, tức là số có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Chính quyền Mỹ dự kiến cuối tháng 7 sẽ tiêm đủ vaccine cho 300 triệu người dân. Trong khi, vaccine tại Mỹ được đánh giá có khả năng bảo vệ lên tới 95% thì chiến dịch tiêm phòng được coi là giải pháp hiệu quả nhằm làm giảm số ca nhiễm mới.

Trên thực tế, mọi biện pháp được triển khai ở Nga, các hạn chế cách ly chống dịch và việc tuyên truyền chiến dịch tiêm vaccine để người dân hưởng ứng, giữ gìn đều nhằm mục đích phá vỡ chuỗi lây nhiễm virus trong cộng đồng. Và rõ ràng là những điều này đang có tác động tích cực trong việc giảm các ca nhiễm mới.

Mặc dù vậy, còn quá sớm để gắn thực tế giảm hiện nay với chiến dịch tiêm vaccine ở Nga. Bởi theo thống kê mới nhất, Nga hiện có gần 4 triệu người đã được tiêm vaccine Sputnik-V, tức gần 3% dân số. Trong khi để kiểm soát được tình hình COVID-19 ở Nga thì ít nhất phải có đến 70% dân số được tiêm chủng (khoảng 100 triệu người).

Chiến dịch tiêm vaccine và các biện pháp giãn cách đã cho quả ngọt ban đầu

Những tín hiệu lạc quan hơn đã được nhen nhóm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tiếp tục cảnh báo không nên chủ quan với việc đối phó với đại dịch COVID-19 ngay cả khi vaccine đang được lưu hành tại nhiều nước trên thế giới.

Vaccine COVID-19 - Câu chuyện dài của thế giới - Ảnh 4.

Thẻ chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Đức. Ảnh: welt.de

Ông Jens Spahn - Bộ trưởng Y tế Đức khuyến cáo: "Số ca nhiễm đang giảm theo đúng dự đoán, nhưng chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng để đưa tỷ lệ lây nhiễm xuống mức có thể kiểm soát được".

Liên quan tình hình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, hãng tin Reuters cho biết, gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và khoảng 200 triệu liều đã được tiêm trên toàn thế giới. Vaccine là một liệu pháp để tạo miễn dịch cộng đồng. Rõ ràng chủng ngừa thì hiệu quả hơn là việc để virus lây lan một cách tự nhiên như quốc gia Bắc Âu Thụy Điển đã từng thực hiện và không thành công. Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, xu hướng giảm số ca mắc mới chỉ là một thành công rất nhỏ nhoi, còn quá sớm để nói về trạng thái đạt miễn dịch cộng đồng toàn cầu với COVID-19.

Bao nhiêu người có miễn dịch cộng đồng thì đủ?

Các nhà khoa học tính toán, trung bình trên 70% dân số ở một cộng đồng, hay một quốc gia có được miễn dịch thì sẽ ngăn chặn được dịch bệnh lây lan. Con số này được tính toán dựa trên mức độ lây nhiễm của virus, hay còn gọi là hệ số lây nhiễm cơ bản "R". Tức là trung bình 1 người nhiễm virus, có thể lây cho bao nhiêu người. Với SARS-CoV-2 thì là khoảng 1,4 - 3,9.

Không có một mốc cụ thể cho việc đạt miễn dịch cộng đồng. Các nhà phân tích sẽ phải tự theo dõi các ca nhiễm mới, số người nhập viện để đánh giá xem virus đã ngừng lây lan hay chưa.

Vaccine COVID-19 - Câu chuyện dài của thế giới - Ảnh 5.

Các bệnh viện ở Manáus (thủ phủ bang Amazonas ở tây bắc Brazil) quá tải trong đợt dịch thứ hai. Ảnh: cruxnow.com

Miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu là lý tưởng, nhưng tốc độ triển khai tiêm phòng vaccine khác nhau khiến toàn thế giới sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu này ngay trong năm 2021. Từng khu vực sẽ đạt miễn dịch cộng đồng ở một mốc khác nhau. Các nước giàu ước tính sẽ có miễn dịch cộng đồng vào mùa Thu năm nay.

Nếu vaccine có hiệu quả với biến chủng mới thì miễn dịch cộng đồng không bị ảnh hưởng. Nhưng nếu có nghiên cứu cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine kém, thì sẽ có nhiều người cần được tiêm chủng hơn, tiêm nhiều mũi hơn, hoặc thậm chí là phải có vaccine mới.

Trường hợp xấu nhất đó là khi virus biến đổi và con người không còn miễn dịch, vaccine không còn hiệu quả. Nhưng không giống như virus cúm, các chủng virus corona biến đổi bớt phức tạp hơn. Như vậy có nghĩa, vaccine sẽ có hiệu quả lâu dài. Kể cả không bảo vệ 100% khỏi lây nhiễm thì vaccine cũng sẽ giúp giảm tỷ lệ virus phát tán.

Israel - quốc gia thực hiện thành công nhất chiến dịch tiêm phòng

Ở những nước số ca nhiễm mới đang giảm, có đặc điểm chung là chiến dịch tiêm vaccine đang được ráo riết thực hiện và được coi đây là một ưu tiên. Trong số các quốc gia thực hiện thành công nhất chiến dịch tiêm phòng, thế giới đang nói đến Israel như một hình mẫu. Trong bảng thống kê tỷ lệ tiêm phòng trên 100 dân ngẫu nhiên ở các nước trên thế giới, đứng đầu danh sách là Israel với hơn 70% số người đã được tiêm vaccine. Tất nhiên tính trên tổng số toàn bộ dân số thì tỷ lệ tiêm vaccine của Israel chỉ trên 50%. Nhưng đây là một con số rất ấn tượng so với tất cả phần còn lại của thế giới. Thành quả đó là nhờ chiến dịch tiêm chủng được đánh giá là thông minh của Israel.

Israel bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Những hoạt động sống thường nhật dần trở lại sau khi mức đỉnh dịch hồi giữa tháng 1, với số ca nhiễm mới mỗi ngày lên tới hơn 8 nghìn người tại một đất nước chỉ hơn 9 triệu dân.

Bà Sarit Reuven - Chủ cửa hàng giày nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có thể nhìn thấy một hồi kết của cơn khủng hoảng khi mà nhiều người đã được tiêm vaccine. Tôi mong rằng đây sẽ là đợt phong tỏa cuối cùng".

Vaccine COVID-19 - Câu chuyện dài của thế giới - Ảnh 6.

Một người đàn ông được tiêm vaccine COVID-19 ở Tel Aviv. Ảnh: Reuters

Đến nay, Israel đã chủng được vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 70% dân số. Trong đó, với nhóm người trên 60 tuổi, tỷ lệ đã được chủng lên tới tới 90%. Và kết quả cho thấy số ca nhiễm mới trong nhóm người trên 60 tuổi của nước này đã giảm 35%, số nhập viện cũng giảm 30%, vượt trội so với mức giảm của các nhóm dân số khác chưa được ưu tiên tiêm vaccine.

Israel cho biết kết quả này mới chỉ là bước đầu, bởi nhiều người trong nhóm này mới chỉ được tiêm một mũi vaccine của Pfizer/BioNtech, trong khi loại vaccine này đòi hỏi phải tiêm 2 mũi mới đạt được công hiệu kỳ vọng. Đáng khích lệ hơn, khi số ca nhiễm mới Israel hiện nay được cho biết chủ yếu là loại biến thể của Anh, gây nhiều lo lắng trong thời gian gần đây.

Ông Asher Salmon - Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế Israel cho biết: "Kế hoạch của chúng tôi là có thể tiêm chủng được cho 70% dân số vào khoảng tháng 4 này. Chúng tôi nhận thấy một sự hào hứng lớn trong công đồng khi nói về vaccine, dĩ nhiên càng về sau thì công việc sẽ càng khó khăn hơn, khi mà chúng tôi sẽ phải đối diện với nhóm người có xu hướng lưỡng lự hơn với vaccine".

Đạt được các kết quả ban đầu. Tuy nhiên giới chức Israel nhấn mạnh các biện pháp hạn chế phòng dịch sẽ còn được nước này được thi hành trong một thời gian dài nữa. Một sự thận trọng cần thiết khi virus vẫn đang tiếp tục biến chủng. Trong thời gian tới, các chính sách sẽ được chỉnh sửa theo hướng ưu tiên cho người tiêm vaccine.

Thủ tướng Isael Benjamin Netanyahu nói: "Chúng tôi đang tiến hành chính sách "giấy thông hành xanh". Tới đây, chỉ những người đã tiêm phòng vaccine mới được tới nhà hát, rạp chiếu bóng, các sự kiện thể thao, đi nước ngoài hay thậm chí là đi ăn hàng. Vaccine sẽ không thay thế khẩu trang, vaccine không có nghĩa là ngừng giãn cách".

Rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 Rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19

VTV.vn - Chiều 19/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe Bộ Y tế báo cáo về tình hình, tiến độ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

vaccine COVID 19

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước