Hiện chưa có thông tin chi tiết ngay lập tức về nguyên nhân gây ra sự cố vỡ vệ tinh quan sát Trái đất Resurs-P1 của Nga. Vệ tinh này đã ngừng hoạt động vào năm 2022. Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ hôm 27/6 xác nhận không có mối đe dọa tức thì nào khi họ theo dõi các mảnh vỡ vệ tinh.
Lực lượng Không gian Hoa Kỳ cho biết sự cố trên xảy ra vào khoảng 10h ngày 26/6 (theo giờ miền núi của Bắc Mỹ, tức 16h theo giờ GMT). Văn phòng Trạm vũ trụ của NASA cho biết vụ việc vỡ vệ tinh quan sát Trái đất xảy ra trên quỹ đạo gần trạm vũ trụ, khiến các phi hành gia Mỹ trên tàu phải trú ẩn trong tàu vũ trụ của họ trong khoảng 1 giờ.
Các radar của công ty theo dõi không gian LeoLabs (Mỹ) đã phát hiện ra vệ tinh giải phóng một số mảnh vỡ cho đến 18h ngày 26/6.
Tên lửa Soyuz-2 mang vệ tinh Resurs-P1 phóng đi từ bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vào ngày 25/6/2013 (Ảnh: AFP/Getty Images)
Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ với mạng lưới radar theo dõi không gian toàn cầu thông tin vệ tinh này đã ngay lập tức tạo ra "hơn 100 mảnh vỡ có thể theo dõi được".
Các sự kiện tạo ra số mảnh vụn lớn trên quỹ đạo rất hiếm khi xảy ra nhưng ngày càng đáng lo ngại khi không gian trở nên "đông đúc" với các mạng lưới vệ tinh quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày trên Trái đất, từ Internet băng thông rộng và thông tin liên lạc đến các dịch vụ điều hướng cơ bản.
Viễn cảnh vệ tinh va chạm và chiến tranh không gian đã làm tăng thêm sự khẩn cấp cho lời kêu gọi, yêu cầu các quốc gia thiết lập một cơ chế quốc tế để quản lý lưu thông trong không gian.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!