Pháp mới đây đã lên tiếng cảnh báo Liên minh châu Âu có nguy cơ tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc nếu tiếp tục chậm trễ trong việc triển khai kế hoạch phục hồi này.
Tại cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định, EU đã mất quá nhiều thời gian kể từ khi quỹ phục hồi kinh tế được thông qua.
Kế hoạch phục hồi này đã được thống nhất thừ tháng 7 năm ngoái nhưng đến nay thì tiền vẫn chưa được phân bổ cho mỗi nước. Hệ quả là châu Âu đang tụt hậu trong phục hồi hậu COVID-19 so với các quốc gia khác.
Ông Bruno Le Maire - Bộ trưởng Tài chính Pháp nói: "Chúng ta đã rất hiệu quả trong việc thông qua kế hoạch khôi phục châu Âu vào năm ngoái, nhưng kể từ đó, chúng ta đã mất quá nhiều thời gian. Trung Quốc tăng trưởng trở lại, Mỹ bùng nổ. EU cần phải tiếp tục ở trong cuộc đua này. Trách nhiệm chính trị của các thành viên và của Ủy ban châu Âu lúc này là biến kế hoạch khôi phục châu Âu thành hiện thực cho các công dân của chúng ta càng sớm càng tốt".
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng chia sẻ quan điểm về việc cần thiết phải sớm triển khai kế hoạch phục hồi.
Ông Minister Scholz - Bộ trưởng Tài chính Đức cho rằng: "Chúng ta cần đảm bảo rằng châu Âu sẽ vực dậy sau khủng hoảng một cách mạnh mẽ. Và chúng ta cần đưa ra một gói kích thích mạnh mẽ để dẫn dắt châu Âu".
Theo thỏa thuận lịch sử được các lãnh đạo EU đã thông qua, Ủy ban châu Âu sẽ đứng ra vay 750 tỷ euro trên thị trường tài chính, 390 tỷ euro trong số này sẽ được trợ cấp cho các nước thành viên EU để giúp các nước thành viên khắc phục hậu quả kinh tế - xã hội do COVID-19. Ngoài việc hỗ trợ các nước phục hồi, gói ngân sách trên sẽ giúp các quốc gia thành viên EU thực hiện chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn, cụ thể là Thỏa thuận Xanh, cách mạng số và phát triển bền vững.
Ông Bruno Le Maire - Bộ trưởng Tài chính Pháp
Kế hoạch phục hồi hậu COVID-19 không đạt được kỳ vọng
Lúc được thông qua, thỏa thuận phục hồi 750 tỷ Euro của châu Âu được nhận định là quyết định quan trọng nhất với châu Âu kể từ khi đồng Euro ra đời. Thế nhưng trên thực tế lại không đạt được.
Về khách quan, chiến dịch tiêm chủng chậm chạp và làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát khiến ngay cả các nền kinh tế mạnh nhất EU là Đức, Pháp và Italy cũng phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa. Khi phong tỏa thì việc rót tiền cho các doanh nghiệp không có ý nghĩa nhiều cho sự hồi phục.
Và điều kiện để được EU cứu trợ cũng không phải dễ dàng. Ví dụ, để nhận được bất kỳ khoản tài trợ hoặc cho vay giá rẻ nào của EU, các nước thành viên sẽ phải tăng mức cam kết đối với ngân sách của EU trong tương lai từ 1,4%, thu nhập quốc dân lên 2% cho đến năm 2058. Hiện mới chỉ có hơn một nửa các nước đáp ứng yêu cầu này. Bên cạnh đó, các nước thành viên EU cũng phải giải trình kế hoạch sử dụng các khoản hỗ trợ và vay từ quỹ phục hồi, trong đó, mỗi quốc gia phải cam kết dành 37% số tiền cho việc giảm lượng khí thải CO2, 20% để số hóa nền kinh tế. Nhiều nước vẫn chưa thể đáp ứng được các yêu cầu này từ EU.
EU đang chậm khoảng 7 tuần so với mục tiêu 70% dân số được chủng ngừa COVID-19 vào cuối mùa Hè. Vì vậy, Ngân hàng Hà Lan ING dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro (Eurozone) trong năm nay chỉ đạt 3% và phải đến quý 3 năm nay nền kinh tế mới có dấu hiệu tích cực. Còn đại diện của Quỹ Capital Economics nhận định, kinh tế khu vực sẽ trở lại mức trước đại dịch vào tháng 6 năm sau, tức là chậm hơn Mỹ một năm.
Có thể thấy là việc mở cửa trở lại để phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ tiêm chủng. Ngày hôm qua, Liên minh châu Âu cho biết sẽ ký kết thỏa thuận đặt mua 1,8 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Thỏa thuận này đưa EU trở thành khách hàng lớn nhất của Pfizer, vượt Mỹ, nước đặt mua 300 triệu liều trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!