Mỹ hiện là nước đi đầu trong việc mạnh tay chi tiền để sở hữu những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Đến nay chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cam kết dành ra hơn 9 tỷ USD để mua 700 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ 7 hãng dược phẩm.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới nhất trên toàn nước Mỹ lại cho thấy 35% người tham gia khảo sát nói rằng họ sẽ không tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong khi 60% chia sẻ họ sẽ tiêm và 5% cho biết không chắc về quyết định của mình.
Ngoài ra, những người thuộc đảng Dân chủ sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19 nhiều hơn các thành viên đảng Cộng hòa với tỷ lệ là 71% so với 48%. Cuộc khảo sát của NPR/PBS NewsHour/Marist được tiến hành với 1.118 cử tri đăng ký tham gia trong thời gian từ 8 - 11/8 với sai số là 3,3 điểm phần trăm.
Theo cuộc khảo sát toàn quốc của NPR/PBS NewsHour/Marist tại Mỹ, cứ 3 người thì có hơn 1 người nói rằng họ sẽ không tiêm vaccine COVID-19.
Cuộc khảo sát này có kết quả tương tự với cuộc khảo sát của Gallup hồi tháng trước. Trong cuộc khảo sát đó, 35% người tham gia nói rằng họ sẽ không tiêm vaccine trong khi tỷ lệ đồng ý tiêm vaccine là 65%.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo điện tử The Hill, Giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ Francis Collins cảnh báo nếu "một nửa đất nước nói: "Không, tôi không muốn sử dụng loại vaccine này" thì hệ quả là đại dịch COVID-19 sẽ tiếp diễn và gây ra ảnh hưởng to lớn với đất nước chúng ta đồng thời khiến nhiều đối tượng dễ tổn thương gặp nguy hiểm".
Ông Collins nhận định: "Thực sự thì tôi rất ngạc nhiên khi việc e ngại tiêm vaccine COVID-19 lại ở mức độ này. Tôi nghĩ khi mọi người chứng kiến những thảm kịch kinh khủng xung quanh chúng ta trong đại dịch này thì lẽ ra sự e ngại chúng ta từng chứng kiến với việc tiêm vaccine cho trẻ em trước đây sẽ không còn diễn ra nữa".
Những nghi ngờ về vaccine phòng COVID-19
Chị Susan Bailey, 57 tuổi và là 1 y tá đã về hưu tại bang Frorida, Mỹ. Tất nhiên chị ý thức được việc tiêm vaccine tốt như thế nào và tất cả các con của chị đều tiêm đầy đủ các mũi được khuyến cáo khi chúng còn nhỏ.
Nhưng chia sẻ với hãng truyền thông CNN chị lại khẳng định: "Dù tôi không phải là người thuộc nhóm phản đối vaccine nhưng tôi sẽ không tiêm phòng COVID-19".
Susan giải thích thêm rằng chị muốn thấy đủ các nghiên cứu khoa học dài hạn về vaccine này đã.
Chị cho biết là không tin tưởng Tổng thống Trump và nghi ngờ sự đồng thuận về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Đối với chị một loại vaccine mới chỉ được thử nghiệm trong 6 tháng là quá nhanh, tối thiểu phải là 18 tháng.
Neil Johnson, một bác sỹ tại Đại học George Washington (Mỹ), đang nghiên cứu về tình trạng hoài nghi vaccine trên mạng xã hội, nói với CNN rằng có bốn nguyên nhân gây phản đối phổ biến nhất. Đó là tính an toàn, sự cần thiết của việc tiêm vaccine, sự tin tưởng vào các công ty dược phẩm và nhận thức về sự không chắc chắn trong khoa học.
Cuộc đua phát triển vaccine COVID-19 đang ở giai đoạn gay cấn nhất
Để xem mức độ ngập ngừng phổ biến như thế nào, ông gợi ý nên hỏi gia đình và bạn bè của bạn xem họ có dùng vaccine COVID-19 hay không nếu bây giờ có sẵn vaccine này.
Neil Johnson nói: "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu bạn hỏi 10 người và tất cả sẽ nhảy lên và nói có mà không cần thêm bất kỳ cảnh báo nào".
Nhiều cuộc khảo sát đều đưa đến kết quả rằng tốc độ phát triển vaccine bị đốt cháy chính là vấn đề lớn nhất hiện nay. Thông thường, phần lớn các loại vaccine có mặt trên thị trường đều mất từ 10 – 15 năm để nghiên cứu và thương mại hoá.
Sự hoài nghi về vaccine COVID-19 lan rộng toàn cầu
Một nghiên cứu của Đại học Hamburg (Đức) tiến hành trong tháng 6 vừa qua đã chỉ ra rằng phải có từ 71%-74% người dân Mỹ và châu Âu được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì mới đạt được tình trạng miễn nhiễm cộng đồng. Song sự sẵn sàng tại Đức, Pháp, Hà Lan đang cho thấy điều này là bất khả thi, bởi ít người muốn trở thành những con chuột thí nghiệm tiêm ngay một loại vaccine được phát triển thần tốc.
Một loại vaccine COVID-19 đang trong quá trình thử nghiệm (Nguồn: Reuters)
Sự hoài nghi này cũng đang lan nhanh. Tại Brazil, nơi mà các thử nghiệm lâm sàng đang được các công ty dược phẩm của Anh, Mỹ và Trung Quốc thực hiện, thì làn sóng phản đối vaccine COVID-19 đang nổ ra trên mạng xã hội. Thậm chí tại Nam Phi, làn sóng này đã biến thành những cuộc biểu tình.
Ông Neil Johnson nói với CNN rằng thông tin sai lệch đang lan truyền về các chương trình thử nghiệm vaccine hiện nay được sử dụng như một vỏ bọc để triệt sản nhiều quần thể dân cư khiến "nỗi sợ hãi thực sự rất lớn ở các nước đang phát triển".
Sự hoài nghi càng tăng nhanh khi tuần qua, Nga tuyên bố phê duyệt vaccine đầu tiên phòng COVID-19. Mang tên Sputnik V – gợi nhớ tới vệ tinh đầu tiên được Liên Xô phóng lên vũ trụ trong thời Chiến tranh lạnh và được coi như một thắng lợi trước Mỹ – song vaccine này thậm chí còn chưa bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3, tức là thử nghiệm trên diện rộng với hàng chục nghìn người.
Vaccine Sputnik V của Nga chưa qua giai đoạn thử nghiệm thứ 3 (Nguồn: AP)
Trung Quốc cũng được cho là đã nhảy cóc qua giai đoạn 3 khi cấp phép một loại vaccine phòng COVID-19 được đưa vào sử dụng từ hồi tháng 6 trong quân đội.
Chính bởi điều này mà Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khẳng định sẽ không cấp phép bất cứ vaccine của hãng dược nào nếu họ cắt ngắn giai đoạn thử nghiệm. Pháp và Anh cũng có những tuyên bố tương tự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!