Vaccine COVID-19 của Nga có tên Sputnik-V, WHO cân nhắc đánh giá an toàn

Nhật Anh, icon
01:59 ngày 11/08/2020

VTV.vn - Đã có 20 nước trên thế giới đặt mua hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà Nga mới phát triển, đặt tên vaccine là "Sputnik-V".

Hình: TASS

Tên của vaccine COVID-19 do Nga phát triển, Sputnik-V, lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.

Cùng với các đối tác nước ngoài, Nga đang chuẩn bị sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine/năm tại 5 quốc gia, hướng tới việc tăng cường năng lực sản xuất hơn nữa. 

Vaccine của Nga hiện vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 với sự tham gia của hàng nghìn người để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả. Nga đã đạt được thỏa thuận tiến hành thử nghiệm vaccine mới ở nước ngoài, với các đối tác tới từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Arập Xêút và một số nước khác.

Thông cáo báo chí của Bộ Y tế LB Nga cho biết cơ quan này đã cấp giấy phép đăng ký vaccine phòng bệnh COVID-19 đầu tiên trên thế giới, khẳng định kết quả thử nghiệm đã cho thấy vaccine phát huy hiệu quả và có độ an toàn cao. Tất cả các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đều tự phát triển được kháng thể kháng COVID-19 ở mức cao, không có trường hợp nào bị biến chứng nặng do tiêm chủng.

Theo cơ quan này, kinh nghiệm sử dụng vaccine vector (với sơ đồ dùng 2 lần) cho thấy khả năng miễn dịch kéo dài đến 2 năm. Việc bào chế loại vaccine này sẽ được thực hiện tại hai cơ sở ở Nga gồm Viện Gamaleya và Công ty Binnopharm.

Trước thông tin trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh: Bất kỳ chứng nhận nào của tổ chức này đối với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 cũng sẽ đòi hỏi quy trình đánh giá khắt khe về dữ liệu an toàn. Người phát ngôn của WHO cho biết tổ chức này đang liên lạc chặt chẽ với giới chức y tế Nga, tập trung vào khả năng WHO thông qua chất lượng vaccine. Quan chức này nhấn mạnh: Dù WHO lạc quan trước tốc độ nghiên cứu vaccine trên toàn thế giới, song việc đẩy nhanh tốc độ không đồng nghĩa với việc giảm bớt độ an toàn.

Theo thống kê của WHO, tính đến ngày 31/7, tổng cộng có 165 vaccine ngừa COVID-19 đang được bào chế trên toàn thế giới. Trong số này, có 139 vaccine vẫn đang trong giai đoạn đánh giá, trong khi 26 loại khác đang được thử nghiệm trên người ở nhiều giai đoạn khác nhau, với 6 loại bước sang giai đoạn 3 về đánh giá lâm sàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục