Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, việc bỏ đi những liều vaccine là rất lãng phí. Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong 1 triệu liều vaccine COVID-19 viện trợ đến châu Phi, có đến một nửa sẽ hết hạn trước khi được tiêm cho người dân. Một trong các lý do gây ra sự lãng phí này là quốc gia phát triển gửi vaccine chậm, khiến vaccine chỉ còn hạn sử dụng rất ngắn khi đến tay các nước nhận viện trợ.
Cuối tháng 3 vừa qua, Malawi, quốc gia ở Đông Phi nhận hơn 100.000 liều vaccine ngừa COVID-19 viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Lô vaccine khi đến Malawi chỉ còn hạn sử dụng trong 3 tuần. Do thời gian ngắn, nước này chỉ kịp tiêm hết 80% số vaccine. Hơn 20.000 liều còn lại bị quá hạn, phải thiêu hủy.
Trong khi đó, các nước phát triển chứng kiến tình trạng thừa vaccine, không dùng hết và phải hủy bỏ vì hết hạn. Ước tính vào đầu tháng 8, Israel phải hủy 80.000 liều vaccine hết hạn.
Do gửi chậm, vaccine chỉ còn hạn sử dụng rất ngắn khi đến tay các nước nhận viện trợ. (Ảnh: AP)
Thống kê sơ bộ ở 10 bang ở Mỹ cho thấy, hơn 1 triệu liều vaccine đã bị lãng phí vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có một lý do là các nước phương Tây cần phải có sự đồng thuận của hãng dược trước khi gửi vaccine đến những quốc gia khác.
Ông Alberto Giubilini, nghiên cứu viên cấp cao tại Đại học Oxford, Anh, nói: "Những khó khăn trong khâu hậu cần cũng như một số thủ tục pháp lý chính là nguyên nhân khiến việc cho đi vaccine ngừa COVID-19 không hề dễ dàng. Tôi cho rằng, giới chức các nước phát triển nên nhận trách nhiệm về sự lãng phí này".
Trên toàn châu Phi, mới chỉ có 3% người dân được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Nhiều chuyên gia dịch tễ cảnh báo, tốc độ tiêm vaccine chậm có thể biến châu Phi thành lò ấp các biến chủng virus SARS-CoV-2 và khi một biến chủng mới xuất hiện sẽ lại kéo lùi nỗ lực chống dịch của thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!