Vị thế mới, tầm vóc mới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 18/09/2022 09:55 GMT+7

VTV.vn - Cạnh tranh quyết liệt giữa nước lớn trong định hình trật tự thế giới mới, đang đem lại vị thế và tầm vóc mới cho SCO trên bàn cờ địa chính trị quốc tế.

Trong lịch sử 21 năm kể từ khi ra đời, từ 2001 đến nay, chưa bao giờ các hoạt động trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lại thu hút sự quan tâm của thế giới như Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức tại Samarkand, Uzbekistan.

Một khối hợp tác gắn kết lục địa Á - Âu, với diện tích, dân số và đóng góp GDP lớn, một tầm vóc như vậy, khiến bất kỳ dàn xếp mới nào liên quan đến các vấn đề an ninh, chính trị toàn cầu đều khó có thể không tính đến khu vực này.

Ngày 15/9, Iran chính thức trở thành thành viên thường trực thứ 9 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Sau 21 năm thành lập, tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh này đã hai lần mở rộng số thành viên, hiện 3 quốc gia đang có tư cách quan sát viên, cùng với 13 quốc gia đối tác đối thoại. Tương lai của khối hứa hẹn ngày càng mở rộng.

Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev phát biểu: "SCO đang bước vào một giai đoạn mới, thậm chí có trách nhiệm hơn trong quá trình phát triển của mình. Cùng nhau, chúng ta sẽ phải giải quyết nhiều nhiệm vụ ưu tiên của sự hợp tác".

Vị thế mới, tầm vóc mới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - Ảnh 1.

Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) thu hút sự quan tâm của thế giới

Được đánh giá cao bởi sự tuân thủ các nguyên tắc cởi mở, minh bạch và không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba, không tìm cách thiết lập liên minh quân sự và chính trị, phản đối tư duy Chiến tranh lạnh cũng như chính trị cường quyền…, SCO không ngừng làm phong phú thêm các quan niệm hợp tác và an ninh trong khu vực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Chúng tôi sẵn sàng làm việc với toàn thế giới. Hiệp hội của chúng ta có tính chất không liên kết, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trong việc giải quyết các vấn đề năng lượng và thực phẩm đang nổi lên trên toàn cầu".

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng khẳng định SCO đang ngày càng vững chắc như một trung tâm quyền lực mới, một mô hình quan hệ giữa các quốc gia dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ông Li Ziguo - Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc: "Tinh thần Thượng Hải thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn, tôn trọng các nền văn minh đa dạng và theo đuổi sự phát triển chung là linh hồn cũng như năng lực cạnh tranh cốt lõi của SCO".

Chiếm 40% dân số thế giới và 60% tổng diện tích của châu Á và châu Âu, SCO đang ngày càng phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên, giữ gìn an ninh và ổn định khu vực, không ngừng nâng tầm ảnh hưởng như một trung tâm quyền lực mới đáng chú ý.

Vị thế mới, tầm vóc mới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - Ảnh 2.

Nga - Trung Quốc tăng cường cân bằng cạnh tranh chiến lược

Hội nghị Thượng đỉnh tại Samarkand được xem là sự kiện đáng chú ý nổi bật của tổ chức này trong hơn 20 năm, và cũng đã thông qua nhiều quyết định quan trọng. Nhưng dư luận bên cạnh đó lại dành sự quan tâm đặc biệt cho cuộc gặp thượng đỉnh hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc, một hoạt động bên lề hội nghị chính.

Đây được giới phân tích coi là cuộc gặp quan trọng nhất trong số 39 lần gặp giữa hai nhà lãnh đạo kể từ năm 2013. Trong bối cảnh sự đối đầu giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc tăng cao, một sự hợp tác dựa trên quan điểm chung về một trật tự thế giới khác không do phương Tây ấn định, một sự kết hợp nhằm tái cân bằng cục diện cạnh tranh chiến lược thế giới, đang đẩy hai cường quốc lại gần nhau hơn.

Những cái bắt tay, những cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo cao nhất hai nước kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine hồi tháng 2. Cả hai bên đều thống nhất sẽ bảo vệ lợi ích chung và thúc đẩy sự phát triển của trật tự quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Chính sách đối ngoại song hành giữa Moscow và Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định toàn cầu và khu vực".

Vị thế mới, tầm vóc mới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - Ảnh 3.

Trung Quốc mua nhiều dầu, than từ Nga để giải quyết khủng hoảng nhiên liệu trong nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng Nga để thể hiện trách nhiệm của cường quốc, đóng vai trò dẫn dắt, đảm bảo sự ổn định trong một thế giới đầy biến động".

Không chỉ là các hoạt động ngoại giao, quan hệ Nga - Trung Quốc được tăng cường củng cố trên nhiều mặt. Về kinh tế, 8 tháng đầu năm, kinh ngạch thương mại hai nước tăng 31% lên hơn 117 tỷ USD so với cùng kỳ. Nga thúc đẩy hợp tác thương mại với Trung Quốc để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn do các lệnh trừng phạt, nhất là trong xuất khẩu dầu mỏ, thanh toán quốc tế. Đổi lại, Trung Quốc cũng tích cực tìm hàng hóa giá rẻ. Trung Quốc mua nhiều dầu, than từ Nga để giải quyết khủng hoảng nhiên liệu trong nước.

Ông Maxim Reshetnikov - Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho biết: "Hiện có 79 dự án trị giá 160 tỷ USD trong các khoản đầu tư giữa các công ty của hai nước. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực tham gia thực hiện nhiều dự án quan trọng trong lĩnh vực dầu khí, giao thông vận tải".

Hợp tác quốc phòng được đẩy mạnh. Đầu tháng 9, Trung Quốc đã cử lực lượng hải quân tham gia cuộc tập trận quy mô lớn với Nga có tên Vostok 2022 tại Thái Bình Dương.

Vị thế mới, tầm vóc mới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - Ảnh 4.

Sự song trùng lợi ích giữa Nga và Trung Quốc đã và đang đẩy hai nước gắn kết hơn

Ông Neil Melvin - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế, Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh nhấn mạnh: "Thông qua cuộc tập trận này, Nga và Trung Quốc muốn cho phương Tây và các đối tác ở châu Á thấy rằng đây là một mối quan hệ an ninh và quân sự mới nổi cần được tính đến".

Việc tăng cường hợp tác song phương giữa Nga và Trung Quốc được giới chuyên gia nhận định sẽ thách thức trật tự thế giới do Mỹ, phương Tây lãnh đạo.

Ông Temur Umarov - Chuyên gia nghiên cứu, Quỹ vì hòa bình quốc tế Carnegie: "Theo quan điểm của Trung Quốc, trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, là không công bằng và trật tự này cần được thay đổi".

Dù còn những thách thức, khác biệt song sự song trùng lợi ích giữa Nga và Trung Quốc đã và đang đẩy hai nước gắn kết hơn, gia tăng đối trọng với trục Mỹ, phương Tây. Cùng với đó, sự gia tăng độc lập của các quốc gia phi phương Tây hiện nay đang góp phần tạo ra một thế giới đa cực hơn.

Dự án đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2

Cam kết hợp tác giữa hai cường quốc được hiện thực hóa ngay lập tức bởi những tiết lộ về các dự án quy mô: Đường ống Sức mạnh Siberia 2 vận chuyển khí đốt từ Nga tới Trung Quốc qua Mông Cổ, công suất lên tới 50 tỷ m3. Nga có thể đang nhìn sang Trung Quốc, kỳ vọng nước này thay thế châu Âu trở thành khách hàng hàng đầu mua khí đốt của Moscow.

Thời điểm này đây được nhận định là một dự án nhiều thách thức, vì theo đánh giá của nhiều chuyên gia công nghiệp, Trung Quốc dự kiến sẽ chưa cần tăng nguồn cung khí đốt cho đến sau năm 2030 và đàm phán sẽ còn phức tạp. Trong khi đó ngày 16/9 vừa qua, đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 1 từ Nga, nối với đường ống dẫn khí đốt của hai tỉnh Hà Bắc và Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động.


Vị thế mới, tầm vóc mới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - Ảnh 5.

Đầu tháng 9, Trung Quốc đã cử lực lượng hải quân tham gia cuộc tập trận quy mô lớn với Nga có tên Vostok 2022 tại Thái Bình Dương

SCO trên bản đồ năng lượng thế giới

Một trong những điểm nổi bật của tuyên bố chung Samarkand là đảm bảo an ninh năng lượng quốc tế, kêu gọi tạo ra thị trường năng lượng quốc tế minh bạch và giảm bớt các rào cản thương mại hiện hành. Việc kết nạp thêm thành viên và cả các quan sát viên mới từ Trung Đông và châu Phi, được cho là kế hoạch của SCO tiến tới mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên bản đồ năng lượng và rộng hơn, bản đồ chính trị thế giới.

Từ góc độ năng lượng thì có thể SCO giờ đây tập hợp những thành viên chủ chốt nhất của OPEC+, lại thêm cả những khách hàng hàng đầu thế giới của OPEC+ nữa. Nói cách khác SCO giờ đây thì không chỉ bao gồm cả những quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ mà đã vươn ảnh hưởng tới các quốc gia cung cấp năng lượng hàng đầu thế giới, không chỉ Nga nữa mà giờ có Iran, rồi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait, Saudi Arabia hay Qatar cũng đã hoặc hướng tới trở thành đối tác đối thoại.

Trong tuyên bố Samarkand vừa rồi đã nhấn mạnh rằng thế giới đang bước vào một giai đoạn với những biến đổi trên quy mô lớn, trong đó xu thế đa cực ngày càng mạnh mẽ hơn đòi hỏi phải tăng tính liên kết với nhau. Và thực tế năng lượng được cho chính là động lực mới đã kéo các nước lại với nhau hơn tại SCO.

Trung Quốc coi Trung Á là cửa ngõ để vào châu Âu

SCO ban đầu là một tổ chức gồm các thành viên cốt lõi như Nga, Trung Quốc, và 4 nước khu vực Trung Á trong không gian hậu Xô Viết. Tầm nhìn thắt chặt hợp tác trong SCO, gia tăng vị thế của khối, đang đặt ra những dự báo về tiềm năng mới cho Trung Á, khu vực cầu nối giữa châu Á và châu Âu.

Uzbekistan là quốc gia đông dân nhất Trung Á, được gọi là trái tim của Trung Á khi có cùng biên giới với hầu hết các nước trong khu vực này. Còn Kazakhstan vừa là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, vừa nền kinh tế lớn nhất Trung Á. Kazakhstan cũng là nơi Chủ tịch Trung Quốc lần đầu tiên đề xuất Sáng kiến "Vành đai và Con đường và là điểm dừng đầu tiên của các tuyến đường đi về phía Tây của sáng kiến này từ Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Kazakhstan là một quốc gia lớn ở Trung Á và có ảnh hưởng quan trọng ở Âu - Á. Trung Quốc rất coi trọng quan hệ với Kazakhstan".

Vị thế mới, tầm vóc mới của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - Ảnh 6.

Nga là đối tác thương mại lớn nhất của ba nước Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan

Khu vực Trung Á đang nổi lên thành một trung tâm địa chiến lược mới. Trung Á gồm nhiều nước khu vực hậu Xô Viết và duy trì mối quan hệ hợp tác tốt với Nga tới ngày nay. Nga là đối tác thương mại lớn nhất của ba nước Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Trung Á cũng là nơi có nguồn than đá và dầu khí dồi dào. Riêng Kazakhstan thì là nơi chứa tới 40% lượng uranium của thế giới. Với Trung Quốc, nước này coi Trung Á là cửa ngõ để vào châu Âu.

Hành lang đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan dự kiến khởi động vào năm sau 2023. Đây sẽ là tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc đến châu Âu và Trung Đông, giảm bớt thời gian vận chuyển 7-8 ngày. Thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á đã lên mức hơn 50 tỷ USD.

Ông Malat Aitov - Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Liên vùng, Cộng hòa Uzbekistan: "Hiện có khoảng 2.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại Uzbekistan. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư 10 tỷ USD ở Uzbekistan. Với việc mở hành lang vận tải đa phương thức kết nối Trung Quốc – Kyrgyzstan - Uzbekistan, hàng hóa từ Trung Quốc và châu Âu có thể được vận chuyển hai chiều qua Uzbekistan, đồng nghĩa với việc hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Uzbekistan có triển vọng rất lớn".

Năm 2023 sẽ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường và Trung Á là một khu vực thuận lợi để Trung Quốc khẳng định vị thế tại điểm giao chiến lược Á - Âu.

Từ một tổ chức chưa thể nói là có vai trò và tiếng nói nổi bật với tình hình chính trị thế giới suốt thời gian qua, thời cuộc hiện tại có nhiều thay đổi, đang đặt Tổ chức hợp tác Thượng Hải SCO trước những thay đổi hướng tới các vai trò mới. Trong bối cảnh cạnh tranh, đối đầu gia tăng, một trật tự thay thế trật tự do phương Tây dẫn dắt đang thành hình, sự tăng cường hợp tác trong SCO hướng tới xây dựng một cơ chế đa phương có sức nặng, có tiếng nói và đủ sức làm đối trọng, xa hơn có thể dịch chuyển từ một tổ chức khu vực thành một cấu trúc mang tầm ảnh hưởng rộng toàn cầu.

Khai mạc Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 14 Khai mạc Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 14

VTV.vn - Ngày 15/12, Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 14 đã chính thức khai mạc tai tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước