"Bóng đá hiện đại đang không có chỗ để thở"

Chuyển ngữ: Minh NguyễnCập nhật 15:12 ngày 14/06/2021

VTV.vn - Tay viết kỳ cựu Martin Samuel của tờ DailyMail đã đặt ra vấn đề về việc các cầu thủ chuyên nghiệp đang phải thi đấu với cường độ quá cao, dẫn đến rủi ro lớn về sức khỏe.

Trong bài viết mới nhất của mình được đăng tải trên tờ DailyMail, nhà báo Martin Samuel bình luận về cảnh tưởng rợn người khi Christien Eriksen đổ gục trên sân trong trận ĐanMạch – Phần Lan tại EURO 2020 – "Hình ảnh quá chân thực, sự sống còn của Christian Eriksen quá rõ ràng, nhà đài lập tức phải trở lại trường quay. Gary Lineker và những vị khách mời tái mặt, choáng váng, chỉ có thể bình luận một cách hời hợt".

"Sự kiện này, những người đó nói, khiến chúng ta phải suy nghĩ về bóng đá. Đó là câu chuyện trước khi Eriksen có thể ngóc đầu dậy, mắt mở hé. Đó là câu chuyện trước khi cầu thủ này có thể gửi tin nhắn điện thoại khi đã nằm trên giường bệnh…".

Nhưng đó không phải là lần đầu tiên những tình huống như thế xảy ra trong bóng đá và rồi bóng đá sẽ lại tiếp tục làm nhiệm vụ của nó. 24 giờ sau sự cố kể trên, 5 trận đấu được diễn ra, bao gồm cả trận đấu chứng kiến cảnh Christian Eriksen suýt lìa đời.

Nhà báo Martin Samuel nhận định, mọi thứ đang quá tải trong bóng đá, tất cả là vì vấn đề doanh thu.

"Nhiều trận đấu hơn, nhiều đội tham dự hơn, nhiều đấu trường hơn, di chuyển nhiều hơn là những gánh nặng đang khiến các cầu thủ trẻ như Eriksen bị vắt kiệt. Chưa đầy 2 tháng trước, HLV Pep Guardiola từng nói rằng các nhà tổ chức đang ‘giết chết các cầu thủ’ và không hề mường tượng rằng lời của ông có thể trở thành sự thật sớm như thế. Lúc đó, HLV này nói một cách ẩn dụ, nhưng giờ đây có vẻ như mọi thứ đang thực sự xảy ra" – ông Martin Samuel bình luận – "UEFA, FIFA đang vắt kiệt các cầu thủ, thật quá đáng – Pep Guardiola từng nói thế. Man City không có nghỉ giữa tuần từ lúc bắt đầu mùa giải. Không ai có cả, không cầu thủ nào duy trì được, từ thể chất đến tinh thần để sẵn sàng mỗi ngày cạnh tranh với đối thủ và giành chiến thắng trong trận đấu".

"Jurgen Klopp đã nói nhiều lần về vấn đề này hồi đầu mùa giải và đã trở thành một cuộc tranh cãi về lịch truyền hình mà tất cả các CLB đồng ý khi đội bóng tìm cách tối đa hóa nguồn thu. Không ai có thể phàn nàn rằng các nhà tổ chức bóng đá không nhận được lời cảnh báo nào".

Bóng đá hiện đại đang không có chỗ để thở - Ảnh 1.

Nhà báo của DailyMail chỉ trích việc ban tổ chức tiếp tục để trận đấu giữa Đan Mạch - Phần Lan tiếp tục diễn ra.

Trở lại với câu chuyện về Christian Eriksen, nhà báo Martin Samuel cho rằng việc để tiếp tục cuộc đọ sức giữa Đan Mạch – Phần Lan là bất công đối với các cầu thủ Đan Mạch, mà theo ông, phần nhiều là vì ban tổ chức không muốn làm xáo trộn lịch thi đấu cũng như lịch truyền hình trực tiếp đã được vạch sẵn.

Ông viết: "Không phải Eriksen ngã gục đơn giản vì cậu ấy kiệt sức. Thực tế mùa này cậu ấy đã chơi ít trận ở cấp độ CLB nhất trong sự nghiệp, kể từ mùa giải 2009/10 đến nay. Tuy nhiên, cảnh cậu ta loạng choạng về phía trước, đổ gục trên sân, không có gì để thắc mắc, khiến bóng đá phải dừng lại để suy ngẫm.

Dù hoàn cảnh cá nhân là gì, nguyên nhân gốc rễ trong trường hợp này là gì, mọi thứ cũng không nên xảy ra. Đó là điều đáng lo ngại ở đây.

Đối với quyết định bắt đầu lại trận đấu muộn hơn, đó là quyết định tiếp tục mọi chuyện mà không quan tâm thích đáng đến cảm xúc của các cầu thủ Đan Mạch. Lịch trình bị nhồi nhét quá đáng, không còn chỗ để thở, mọi thứ cứ gấp gáp, gấp gáp, gấp rút để hoàn thành.

Quyền phát quyết không nằm trong tay các cầu thủ Đan Mạch và Phần Lan. Tất nhiên, các cầu thủ sẽ cố gắng hoàn tất trận đấu, để vinh danh Christian Eriksen. Tuy nhiên, kết quả là sai lầm của Kasper Schmeichel đã trả giá bằng chiến thắng cho Phần Lan, là quả phạt đền bị bỏ lỡ của Pierre-Emerick-Hojbjerg cho Đan Mạch, cho thấy 1 đội bóng đang phải chịu một áp lực quá sức tưởng tượng".

"Hãy tưởng tượng những gì đang diễn ra trong tâm trí của Hojbjerg khi cầu thủ này bước lên; Cầu thủ ấy cảm thấy thế nào khi thất bại? UEFA lẽ ra phải trút bỏ gánh nặng đó cho Hojbjerg.

Thay vào đó, họ đã đưa ra lời đề nghị tiếp tục thi đấu mà không mảy may nghĩ tới sự sang chấn tâm lý, khiến chúng ta phải suy ngẫm, một lần nữa.

Cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện - câu "thần chú" quen thuộc của các chính trị gia sau mỗi vụ nổ súng ở trường học, trước khi họ trở về văn phòng mình và không nghĩ về việc làm cách nào để hạn chế việc sở hữu súng. Cho đến sự vụ tiếp theo, khi những lời "cầu nguyện" lại tiếp tục được gửi tới gia đình các nạn nhân một lần nữa" – Martin Samuel bình luận

Trong bài viết của mình, nhà báo kỳ cựu của DailyMail cũng bày tỏ việc các nhà tổ chức bóng đá đang khiến trò chơi này trở nên ít nhân văn hơn khi thúc ép những người tham gia phá vỡ mọi giới hạn vốn có của nó, đó chính là rủi ro dẫn tới những thảm họa, những tai nạn đáng tiếc ngay trên sân.

"FIFA đã mở rộng World Cup từ 16 đội lên 48 đội. 4 quốc gia tranh chức vô địch châu Âu của UEFA đã trở thành 8, sau đó là 16 và bây giờ là 24 đội; trong số 24 đội này, 16 đội tiến vào vòng loại trực tiếp. Nhiều trận đấu hơn, giải đấu kéo dài hơn, ít thời gian nghỉ ngơi hơn" – "Thêm cả UEFA Nations League, thêm cách thức mới sắp được bổ sung và Champions League. Inter Milan của Christian Eriksen cũng thúc đẩy Super League. Và tải trọng luôn rơi vào nhóm các đội bóng ưu tú vì đó là cách mà các nhà tổ chức muốn".

"Họ không muốn Normich hay Nottingham Forest nào cả, họ thậm chí không cần Villarreal hay Leicester. Các CLB xuất sắc giống nhau, được tập hợp bởi nhiều những cầu thủ ưu tú giống nhau, như Inter Milan, Tottenham, Ajax – những CLB thu hút được tài năng như Eriksen và những cầu thủ cùng thời.

Khi tại họa xảy ra tại Copenhagen, mặt trái của giới cầu thủ bóng đá chuyên nghệp hàng đầu càng được thể hiện hơn bao giờ hết.

Người ghi bàn cho ĐT Bỉ trong trận đấu ngay sau sự vụ đó – Romelu Lukaku, là đồng đội của Eriksen tại Inter; ĐT Anh hủy họp báo dự kiến diễn ra tối hôm đó vì đội trưởng Harry Kane và Eriksen là đồng đội cũ tại Tottenham.

Các tổ chức này sẽ lan rộng, giống như những xúc tu, thông qua các giải đấu bởi vì đó là bản chất của bóng đá hiện đại. Một nhóm những người đàn ông trẻ, bị thúc ép làm việc chăm hơn nữa, chăm hơn nữa và không có thời gian nghỉ ngơi cho đến khi chuyện gì đó xảy đến.

Và sau tất cả, chỉ có cầu nguyện, rồi cầu nguyện"

Nguồn: Daily Mail

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1