Yêu là gì?
Theo Wikipedia, tình yêu là một loạt các cảm xúc, trạng thái tâm lý, và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân ("Tôi yêu mẹ tôi") đến niềm vui sướng("Tôi thích món ăn"). Tình yêu thường là một cảm xúc thu hút mạnh mẽ và nhu cầu muốn được ràng buộc gắn bó. Nó cũng có thể là một đức tính đại diện cho lòng tốt của con người, sự nhân từ, và sự thông cảm - "mối quan tâm trung thành và vị tha hướng tới người khác".
Từ định nghĩa này, sau trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia, hãy thử tự đặt câu hỏi: Liệu người hâm mộ có yêu bóng đá Việt Nam hay không?
Vẻ thất vọng của Hồ Tuấn Tài sau khi bỏ lỡ cơ hội
Phút 90+1, Tuấn Tài có tình huống đối mặt với thủ môn và tung ra cú dứt điểm rất căng, cả cầu trường Selayang như nổ tung. Nhưng đó không phải cảm giác vỡ oà dễ chịu, trong niềm vui, về một bản thắng cuối trận mà là sự tiếc nuối, xen lẫn oán hận dành cho Hồ Tuấn Tài, cầu thủ đã bỏ lỡ quá nhiều tình huống ngon ăn.
Thậm chí, cơn ác mộng với Hồ Tuấn Tài không chỉ gói gọn trên sân cỏ mà cơn thịnh nộ của một bộ phận người hâm mộ còn dai dẳng và ngùn ngụt hơn trên Facebook. Thống kê không chính xác cũng có thể thấy hàng ngàn bình luận chửi rủa, thậm chí là nguyền rủa dành cho tiền đạo trẻ của Sông Lam Nghệ An.
Những người chỉ vừa biết đến Tuấn Tài trong khoảng 90’ qua TV, cũng không ngần ngại thoá mạ một con người với tất cả vốn từ ghê tởm nhất trong tiếng Việt.
Xúc phạm lẫn nhau trên mạng xã hội chẳng phải điều gì lạ lẫm ở Việt Nam nhưng khi chất xúc tác là một trận bóng không thành công, điều đó càng được thể hiện rõ hơn cả. Bởi lẽ, niềm tin của CĐV Việt Nam, phần không nhỏ, là thứ ngắn hạn.
Chẳng có cầu thủ nào ra sân mà không mong muốn mang về chiến thắng cho đội nhà nhưng bóng đá là thế. Torres cũng từng đối mặt với khung trống nhưng đưa bóng lên trời, Edin Dzeko cũng không ngoại lệ, Palacio, Higuain… cũng từng chịu cảnh tương tự. Và hàng loạt cái tên trên, đều là những cầu thủ hàng đầu thế giới. Nói vậy để thấy rằng, dĩ nhiên, Tuấn Tài đáng trách vì phung phí cơ hội. Và người hâm mộ có quyền đặt câu hỏi về cách dùng người của HLV Hữu Thắng nhưng tuyệt nhiên cách phản ứng như cơn cuồng nộ tối qua, tuyệt nhiên là không được phép.
Hãy nhìn cách người Brazil đối đãi với Neymar và các đồng đội. Selecao đã thua tan nát người Đức ngay trên sân nhà, tại một giải đấu quy mô hơn SEA Games rất rất nhiều lần. Nước mắt đã rơi, nỗi buồn cũng tỏ nhưng chẳng ai quay lưng lại với các cầu thủ. Neymar vẫn là đứa con cưng mà những người yêu bóng đá Brazil dõi theo. Hàng loạt "tiểu Neymar" vẫn đang ngày ngày nỗ lực để noi gương đàn anh.
Thật không ngoa khi cho rằng, CĐV chính là hậu phương về tinh thần cho các cầu thủ. Vậy hậu phương này của các cầu thủ Việt Nam thế nào? Có ai từng thử chậm gõ phím Enter lại vài giây trước khi bình luận để nghĩ rằng, khi cơn thịnh nộ của bản thân được xả ra, sự nghiệp của Tuấn Tài sẽ ảnh hưởng thế nào? Đôi chân của cầu thủ đôi mươi này sẽ thôi run rẩy và tự tin thi đấu trở lại khi cơn bão dư luận này qua đi?
Không nghi ngờ gì, thứ mà phần không nhỏ CĐV ngày nay yêu nhất chính là những chiến thắng chứ không phải là bóng đá Việt Nam.
Ai sợ bóng đá Thái Lan ?
Niềm vui của CĐV Việt Nam khi đội nhà có chiến thắng
Thắng Indo, Việt Nam sẽ nghiễm nhiên bước tiếp vào vòng đấu tới. Nhưng hoà Indo không đồng nghĩa với việc cơ hội đi tiếp của thầy trò HLV Hữu Thắng đã khép lại. Dĩ nhiên, đó là cánh cửa hẹp hơn để đi qua, nhưng không hoàn toàn là hết hy vọng.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đứng đầu bảng nhờ chỉ số phụ. Và chỉ cần không thua trước U22 Thái Lan, U22 Việt Nam sẽ chắc chắn đi tiếp. Hay thậm chí là phơi áo, nếu Indonesia không thắng Campuchia, Việt Nam cũng tới với vòng bán kết.
Dĩ nhiên, việc phải đá trận quyết định với kình địch này, luôn không phải là điều dễ dàng.
Trong quá khứ, chúng ta thua nhiều hơn thắng nhưng trái bóng tròn, có điều gì là không thể thay đổi? BĐN xếp hạng 3 vòng bảng, không thắng một trận nào, vẫn vô địch Euro 2016. Trước đó, cũng tại giải đấu này năm 2004, Hy Lạp còn gây tiếng vang lớn hơn ghi loại bỏ hết các cường quốc bóng đá tấn công khi ấy như Czech hay Bồ Đào Nha để bước lên đỉnh vinh quang.
Hơn nữa, về mặt tương quan lực lượng, chưa chắc U22 Việt Nam kém U22 Thái Lan. Chúng ta có những cầu thủ chất lượng, đồng đều các tuyến. Vấn đề, điểm yếu thì luôn song hành, nhưng U22 Thái Lan cũng không phải ngoại lệ. Những người làm chuyên môn, hiển nhiên chẳng ai sợ U22 Thái Lan, nhất là khi, cơ hội đi tiếp đang khá cao.
HLV Mai Đức Chung tuyên bố không sợ Thái Lan, mà thực tế, các nữ học trò của ông suýt đánh bại đối thủ này trong cuộc đọ sức mới đây. HLV Hữu Thắng chắc chắn cũng như thế. Các cầu thủ U22 Việt Nam, càng không có lý do để đụng độ đối thủ thú vị này.
Vậy ai mới sợ U22 Thái Lan? Từ những gì đã qua, mỗi người hẳn sẽ tự có cho mình câu trả lời…
Có ai đó từng nói rằng "Bóng đá Việt Nam muốn thành công, hãy thay..."
…à mà thôi!