Liên Hợp Quốc chung tay phòng, chống tham nhũng trong thể thao

H.TCập nhật 20:26 ngày 13/09/2019

VTV.vn - Đại diện Liên Hợp Quốc khẳng định thể thao không thể hoàn thành vai trò thúc đẩy hòa bình nếu bị hoen ố bởi những hành vi phạm tội và tham nhũng.

Trong hai ngày 3 và 4/9/2019, đại diện hơn 110 Chính phủ, các tổ chức thể thao quốc tế, giới học thuật, khu vực tư nhân, giới truyền thông cũng như các bên liên quan khác đã tham gia vào một hội nghị quốc tế kéo dài hai ngày với chủ đề "Bảo vệ thể thao khỏi tham nhũng: Hướng tới thực hiện hiệu quả Nghị quyết 7/8 về tham nhũng trong thể thao" với mục đích chia sẻ thông tin, tài liệu cũng như các thực tiễn tốt trong đấu tranh với vấn đề tham nhũng trong thể thao và hỗ trợ các bên liên quan thực thi hiệu quả Nghị quyết 7/8 về tham nhũng trong thể thao.

Liên Hợp Quốc chung tay phòng, chống tham nhũng trong thể thao - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT tham dự sự kiện

Tổng Giám đốc Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc Yury Fedotov cho biết, việc Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước Phòng, chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 7/8 vào tháng 11 năm 2017 là một bước ngoặt trong nỗ lực quốc tế nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thể thao.

Ngài Fedotov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác trong công tác chống tham nhũng trong thể thao. Ông cho biết: "Phối hợp hiệu quả với các tổ chức quốc tế cũng là một trụ cột quan trọng trong cách tiếp cận của UNODC nhằm phòng, chống tham nhũng trong thể thao và tôi thấy vui khi thấy các mối quan hệ hợp tác đã được củng cố với các tổ chức quan trọng như Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu, EUROPOL, ILO, INTERPOL, OECD, UNESCO, Vụ Liên Hợp Quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội và UNESCO".

Tổng Giám đốc của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc khẳng định, thể thao không thể hoàn thành vai trò thúc đẩy hòa bình và đạt được mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 nếu bị hoen ố bởi những hành vi phạm tội và tính toàn vẹn của các sự kiện thể thao bị ảnh hưởng bởi tham nhũng.

Nội dung của hội nghị bao gồm các vấn đề pháp luật và thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thể thao, nâng cao nhận thức về các cơ chế hợp tác ví dụ như Đối tác Quốc tế phòng, chống tham nhũng trong Thể thao (IPACS), thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ trong thể thao, giải quyết các nguy cơ tham nhũng có liên quan đến các sự kiện thể thao lớn, tăng cường quản trị tốt trong thể thao, phòng, chống thao túng trong các giải đấu và cách thức nhằm chấm dứt cá cược bất hợp pháp.

Trong bài phát biểu bế mạc, Giám đốc phụ trách Các vấn đề về điều ước quốc tế của UNODC John Brandolino nói: "UNODC sẽ tiếp tục hỗ trợ các chính phủ và các tổ chức thể thao có quan tâm trong việc nâng cao năng lực hơn nữa nhằm xử lý tốt vấn đề tham nhũng trong thể thao".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1