Sau hàng loạt những ý kiến khác nhau về kế hoạch tổ chức, cuối cùng, Olympic Tokyo 2020 đã chính thức phải hoãn lại sang năm 2021. Đây là quyết định được thống nhất sau cuộc điện đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, Trưởng Ban tổ chức Olympic Nhật Bản Yoshiro Mori, Bộ trưởng phụ trách Olympic Hashimoto Seiko và Chủ tịch IOC Thomas Bach.
Cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch IOC được lên kế hoạch sau khi IOC đưa ra thời gian 4 tuần để cân nhắc việc hoãn Olympic Tokyo 2020 do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu.
Dù quyết định Thế vận hội hoãn 1 năm đã được đưa ra nhưng điều này cũng làm nảy sinh không ít vấn đề. Dưới đây là một số cầu hỏi được đặt ra liên quan đến việc tổ chức Olympic Tokyo vào năm 2021:
Olympic Tokyo sẽ diễn ra thời điểm nào của năm 2021?
Chiếc đồng hồ đếm ngược tại Tokyo sẽ phải tạm ngừng
Đây là vấn đề mà IOC cần sớm có phương án. IOC cho biết Thế vận hội sẽ được lùi đến thời điểm sau năm 2020 nhưng không được quá mùa Hè 2021. Nhiều khả năng, ngày tổ chức sẽ tương tự như lịch của năm 2020 là từ ngày 24/7 đến 9/8.
Lý do là bởi đây là thời điểm không diễn ra bất kỳ giải thể thao nào lớn quy mô thế giới, cho phép Olympic tổ chức thuận lợi và không bị "cướp" sự chú ý.
Nếu tổ chức muộn hơn hoặc sớm hơn mốc này từ 1-2 tuần sẽ lấn sân các giải đấu khác. EURO sau khi cũng phải lùi lại 1 năm sẽ diễn ra vào ngày 11/6 đến 11/7/2021. Trước đó sẽ là các trận play-off và chung kết của NBA, NHL và UEFA Champions League.
Olympic cũng không thể tổ chức vào cuối tháng 8 hoặc 9 bởi đây là thời điểm bắt đầu mùa giải bóng đá ở nhiều giải VĐQG châu Âu cũng như mùa giải bóng bầu dục Mỹ. Nếu tổ chức cùng thời gian với những sự kiện trên, IOC sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ về nguồn thu từ bản quyền truyền hình.
Olympic Tokyo 2021 hay vẫn là 2020?
Theo tuyên bố gần nhất của IOC, ban tổ chức vẫn sẽ giữ tên gọi Olympic Tokyo 2020 bất chấp thời điểm tổ chức vào năm 2021. Lý do liên quan đến việc logo, sản phẩm kinh doanh cùng hàng triệu nội dung quảng bá đều gắn với cái tên Olympic Tokyo 2020. Các nhà tổ chức EURO dù chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng cũng đã tỏ ý muốn giữ thương hiệu EURO 2020 vào năm sau.
Ban tổ chức Olympic Tokyo đối mặt với những điều gì vào năm sau?
Nhiều môn thể thao sẽ cần xác định lại vòng loại Olympic
Cơn đau đầu của nước chủ nhà Nhật Bản và IOC lúc này là sự phức tạp trong công tác tổ chức khi Olympic Tokyo phải lùi lại 1 năm.
Thế vận hội được hiểu như trung tâm của hệ sinh thái các môn thể thao lớn bao gồm các giải vô địch quốc gia, vô địch thế giới, World Cup và tất nhiên là cả vòng loại Olympic. Rất nhiều sự kiện thể thao giờ sẽ phải rời lịch, hoãn hủy hoặc thay đổi để phù hợp với Olympic Tokyo vào năm 2021. Mỗi sự kiện ấy lại được điều hành bởi các liên đoàn bộ môn khác nhau với các nhà tài trợ, đối tác bản quyền và mua bán vé khác nhau. Ảnh hưởng của việc hoãn Thế vận hội sẽ đặc biệt lớn với thế giới thể thao từ nay đến 2021.
Lấy ví dụ như ở 2 môn thể thao phổ biến nhất của Olympic là bơi và điền kinh. Cả hai môn nay đều dự kiến tổ chức giải vô địch thế giới vào Hè 2021 nhưng sẽ phải thay đổi để tạo điều kiện tổ chức Olympic cũng như thời gian để các VĐV tập luyện. Vậy các giải này sẽ bị lùi lại hay hủy bỏ?
Lịch trình tổ chức vòng loại Olympic cũng sẽ phải tính toán lại. IOC từng cho biết 57% suất thi đấu ở Tokyo đã được xác định, như vậy còn tới 43% số suất đang bỏ trống. Hàng loạt giải vô địch thế giới kiêm vòng loại Olympic đang phải tạm hoãn mà không hẹn ngày tổ chức lại vì COVID-19. Bên cạnh đó, hệ thống xếp hạng thế giới để xác định vé dự Olympic Tokyo cũng cần được xem xét một cách công bằng cho tất cả các VĐV.
Các VĐV sẽ cần chuẩn bị như thế nào?
Tiến Minh đối mặt với thách thức mới sau khi Olympic Tokyo 2020 phải hoãn 1 năm
Quyết định hoãn Olympic có thể nói chính là nhằm bảo vệ cho sức khỏe của các VĐV trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp. Ở thời điểm này, không một quốc gia nào muốn mạo hiểm cử VĐV di chuyển tới Nhật Bản tranh tài ở Olympic.
Bên cạnh đó, điều kiện tập luyện của các VĐV hiện tại cũng rất khó khăn khi các quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa, hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc xã hội còn nhiều trung tâm huấn luyện phải tạm đóng cửa.
Trước khi nghĩ đến Olympic vào năm sau, trước hết, các VĐV cần giữ sức khỏe để không nhiễm COVID-19. Virus Corona chủng mới không chừa một ai, dù là những người chăm chỉ tập thể thao.
Cameron van der Burgh – người từng giành HCV Olympic 2021 môn bơi đã nhiễm COVID-19 tại Nam Phi mới đây chia sẻ: "Tôi đã vật lộn với COVID-19 trong 14 ngày qua. Tính đến nay, đây là loại virus đáng sợ nhất mà tôi từng nhiễm, mặc dù tôi là một người cường tráng với phổi khỏe, có lối sống lành mạnh và còn trẻ. Dù các triệu chứng nghiêm trọng đã giảm nhưng tôi vẫn đang vật lộn với tình trạng mệt mỏi dữ dội và ho".
Olympic dời sang năm sau hứa hẹn cũng mang đến những thay đổi trong cục diện cuộc đua cạnh tranh huy chương. Trong khi những VĐV lớn tuổi sẽ gặp thách thức lớn hơn thì các VĐV trẻ lại có thêm thời gian tích lũy để phát triển bản thân.
Nhìn chung, thể thao thế giới sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề chưa từng gặp phải khi Olympic lùi lại 1 năm vì COVID-19. Nhưng tinh thần của Ban tổ chức cũng như các VĐV, HLV là phương án hủy bỏ Thế vận hội sẽ không bao giờ được bàn đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!