Sau 18 năm mòn mỏi, U22 Việt Nam lại thắp niềm tin "vàng" bóng đá nam SEA Games

T.KCập nhật 10:30 ngày 10/12/2019

VTV.vn - U22 Việt Nam chỉ còn cách tấm HCV môn bóng đá nam SEA Games đúng 1 trận đấu trước đối thủ từng là bại tướng ở vòng bảng.

Kể từ năm 2001, bóng đá nam SEA Games bắt đầu giới hạn độ tuổi cầu thủ xuống còn U23, các lứa đội tuyển Việt Nam đã không ít lần tiệm cận chức vô địch để giành lấy tấm HCV bóng đá nam SEA Games. Tuy nhiên, sau 18 năm mòn mỏi, vì nhiều lý do khác nhau, các đội bóng trẻ của Việt Nam vẫn lỡ hẹn với tấm HCV dù đã nhiều lần tưởng như nắm chắc trong tay.

SEA Games 21 năm 2001: Chia tay ngay vòng bảng

Sau 18 năm mòn mỏi, U22 Việt Nam lại thắp niềm tin vàng bóng đá nam SEA Games - Ảnh 1.

Lần đầu bước ra sân chơi châu lục với sự thiếu vắng của những tên tuổi thuộc thế hệ vàng, U23 Việt Nam đã thể hiện phong độ thi đấu vô cùng kém cỏi.

Với những gương mặt non trẻ trong đội hình sau giai đoạn chuyển giao thế hệ, U23 Việt Nam khi đó sớm kết thúc kỳ SEA Games với 2 trận thua trước U23 Indonesia và U23 Malaysia, qua đó về nước ngay sau vòng bảng.

SEA Games 22 năm 2003: Rơi "vàng" trước người Thái

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một sự kiện thể thao lớn của khu vực. Và môn bóng đá nam cũng để lại những dư vị cảm xúc khó tả.

Sự thăng hoa của thần đồng Văn Quyến khi ấy đã nhiều lần giúp U23 Việt Nam vượt khó, trước những thử thách đến từ những đối thủ khó chơi ở kỳ SEA Games trước như U23 Indonesia và Malaysia.

Ở trận chung kết, Quyến lại ghi bàn, nhưng những nỗ lực của anh và đồng đội là không đủ để giúp Việt Nam có thể tạo ra cuộc lật đổ trước U23 Thái Lan.

Thất bại 1-2 ở trận chung kết, đoàn quân của HLV Alfred Riedl đành ngậm ngùi nhận tấm HCB.

SEA Games 23 năm 2005: Đại án bán độ u ám trên đất Philippines

Sau 18 năm mòn mỏi, U22 Việt Nam lại thắp niềm tin vàng bóng đá nam SEA Games - Ảnh 2.

U23 Việt Nam đến với Philippines và có khởi đầu suôn sẻ ở vòng bảng. Sau đó, U23 Việt Nam nhanh chóng đánh bại U23 Malaysia ở bán kết để vào chơi trận tranh HCV với U23 Thái Lan.

Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa thiên đường, đoàn quân của HLV Riedl lại thêm một lần nữa nhận trái đắng khi chịu thua tâm phục khẩu phục 0-3 trước đối thủ.

Đặc biệt, đây là kỳ SEA Games buồn khi NHM nhận hung tin về "đại án Bacolod" khi nhiều trụ cột đã dính líu đến bán độ trong trận gặp U23 Myanmar.

SEA Games 24 năm 2007: HCĐ tủi hổ

Vượt qua vòng bảng, ít ai ngờ U23 Việt Nam lại dừng chân ở trận bán kết trước U23 Myanmar. Kết quả buồn này khiến chiến lược gia người Áo Alfred Riedl mất chức ngay sau trận đấu.

Và như một hiệu ứng domino, U23 Việt Nam tiếp tục thua đậm 0-5 trước U23 Singapore ở trận tranh HCĐ.

SEA Games 25 năm 2009: Lần 2 tuột "vàng" ở chung kết

Đây là kỳ SEA Games thăng hoa của U23 Việt Nam khi đội bóng của chúng ta đã thi đấu chói sáng cho tới trước trận chung kết.

Tưởng như đã chạm được tay vào chức vô địch, thế nhưng thầy trò HLV Henrique Calisto lại không thể trụ vững khi còn ít phút cuối là bước sang hiệp phụ trước U23 Malaysia. Bàn thua ở phút cuối từ lỗ hổng hàng thủ khiến U23 Việt Nam phải tiếp tục chờ đợi.

SEA Games 26 năm 2011: Trắng tay ở xứ vạn đảo

Sau Weigang, dưới thời HLV Goetz, bóng đá Việt Nam được kỳ vọng sẽ có tinh thần thép giống các đội bóng Đức để sửa sai cho kỳ SEA Games trước đó.

Ở kì SEA Games được tổ chức tại Indonesia, U23 Việt Nam đã khởi đầu suôn sẻ ở vòng bảng, nhưng đến bán kết lại nhận thất bại trước chủ nhà Indonesia.

Trận tranh HCĐ sau đó với Myanmar, đội cũng nhận thất bại tan nát 1-4, để rồi sau đó VFF lập tức quyết định sa thải HLV Falko Goetz chỉ sau 6 tháng hợp đồng.

SEA Games 27 năm 2013: Lần thứ hai về nước ngay vòng bảng

Sau 18 năm mòn mỏi, U22 Việt Nam lại thắp niềm tin vàng bóng đá nam SEA Games - Ảnh 3.

Bóng đá Việt Nam ở giai đoạn 2012-13 lâm vào cuộc khủng hoảng và HLV Hoàng Văn Phúc lên nắm quyền cũng không giải quyết được vấn đề.

Ở SEA Games 27, U23 Việt Nam chỉ giành được hai chiến thắng trước U23 Lào và Brunei, trong khi thất bại trước U23 Singapore và Malaysia, qua đó sớm chia tay giải đấu sau vòng bảng.

SEA Games 28 năm 2015: HLV Miura "đãi vàng" bất thành

Bóng đá Việt Nam có dấu hiệu chấn hưng dưới bàn tay của chiến lược gia Nhật Bản Toshiya Miura. U23 Việt Nam hành quân tham dự SEA Games 28 và dễ dàng vượt qua vòng bảng.

Tuy nhiên, ngay cả khi có thể trận nhỉnh hơn và nhiều cơ hội được tạo ra, U23 Việt Nam vẫn sảy chân một lần nữa trước U23 Myanmar và lỡ hẹn với tấm HCV.

Sau đó, thầy trò Miura tự an ủi bằng chiến thắng chiếc HCĐ sau chiến thắng "hủy diệt" 5-0 trước U23 Indonesia.

SEA Games 29 năm 2017: Có lứa U19 sáng giá, Việt Nam lần thứ 3 chia tay ở vòng bảng

SEA Games 29 trên đất Malaysia là cơ hội cuối để lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... hiện thực hóa giấc mơ vàng. Kỳ vọng lớn lao nhưng đoàn quân của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã không thể vượt lên chính mình khi lần lượt nhận kết quả hòa và thua ở hai trận cuối vòng bảng trước Indonesia và Thái Lan, qua đó sớm chia tay giải đấu sớm ngoài dự kiến.

SEA Games 30 năm 2019: Xây chắc niềm tin chiến thắng với thầy trò Park Hang-seo

Sau 18 năm kể từ khi bóng đá trẻ tham dự SEA Games, một lần nữa các cầu thủ của chúng ta lại đứng trước ngưỡng cửa lịch sử. Ở kỳ đại hội này, U22 Việt Nam đã được định hình lối chơi; các cầu thủ đã có sự gắn kết, liên kết; đang đạt phong độ cao và ổn định. Và thực tế, U22 Việt Nam tỏ ra "trên cơ" so với mọi đối thủ ở giải khi bất bại với 5 chiến thắng, 1 trận hòa.

U22 Việt Nam đã đánh bại những đối thủ sừng sỏ nhất như U22 Indonesia – đội sẽ gặp lại ở chung kết, U22 Singapore, U22 Malaysia và hòa U22 Thái Lan. Thắng thuyết phục ngựa ô U22 Campuchia ở bán kết và NHM tin rằng, lịch sử sẽ sang trang sau trận chung kết tối 10/12 với U22 Indonesia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1