Thủ môn: Tử huyệt của bóng đá Việt

Theo Người Lao độngCập nhật 11:11 ngày 15/09/2017

VTV.vn - Nhiều đội bóng không mặn mà đào tạo thủ môn, cộng với tâm lý yếu đã khiến một loạt đội tuyển phải "rút kinh nghiệm", nhận thua đau do lỗi ngớ ngẩn từ "người gác đền".

Search từ khóa "các sai lầm của thủ môn", kênh YouTube sẽ cho ra hàng ngàn kết quả về các pha bóng xử lý rất ngớ ngẩn của nhiều thủ thành trên thế giới. Dù biết sai lầm là chuyện khó tránh khỏi trong bóng đá nhưng chỉ 1 năm mà có đến 5 thủ môn ở các cấp độ đội tuyển mắc lỗi ngớ ngẩn là điều rất khó chấp nhận đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Trước khi thủ thành Y Eli Niê người Ê Đê bắt không dính quả bóng, tạo điều kiện cho U18 Myanmar lội ngược dòng thắng U18 Việt Nam 2-1 để tước luôn tấm vé vào bán kết Giải U18 Đông Nam Á 2017 vào tối 13-9, đã có 4 thủ môn lần lượt hứng chịu bão dư luận sau những sai lầm tai hại.

Đó là Trần Nguyên Mạnh ở AFF Cup 2016, Bùi Tiến Dũng tại vòng loại U23 châu Á 2018, Phí Minh Long ở SEA Games 2017 và Trương Thái Hiếu cũng tại giải U18 Đông Nam Á. Chưa tính đến trường hợp xích mích của Đặng Văn Lâm với trợ lý CLB Hải Phòng Lê Sỹ Mạnh, khiến thủ môn người Nga gốc Việt có nguy cơ lỡ trận lượt về bảng C vòng loại cuối Asian Cup 2019, có thể nói 1 năm qua, người hâm mộ Việt Nam đã chứng kiến quá nhiều "thảm họa thủ môn".

Thủ môn: Tử huyệt của bóng đá Việt - Ảnh 1.

Thủ môn Y Eli Niê (thứ hai từ phải, hàng đứng) ít được thi đấu cho Đắk Lắk ở Giải Hạng nhất Ảnh: Mộc Nghênh

Có một mẫu số chung trong sai lầm của các thủ môn mà người hâm mộ lẫn chuyên gia bóng đá đều dễ dàng chỉ ra, đó là sự non nớt về tâm lý. Cựu thủ môn Dương Hồng Sơn - nhà vô địch AFF Cup 2008 - từng chia sẻ: So với các thế hệ thủ môn trước đây, những "người gác đền" hiện nay kém quá xa về khả năng chịu đựng sức ép tâm lý. "Thời chúng tôi, ai mắc sai lầm thì có các thầy động viên, chỉ cách vượt qua tâm lý sợ hãi để trưởng thành hơn. Còn các bạn trẻ bây giờ, việc tiếp thu trở nên khó khăn hơn. Họ càng sợ sai lầm thì lại càng dễ mắc sai lầm. Điển hình như Phí Minh Long. Tôi trực tiếp chỉ bảo Long ở Hà Nội FC nhưng có nhiều trận đấu, cậu ấy thường xuyên bị chuột rút. Đó là biểu hiện cho tâm lý căng cứng chưa khắc phục được. Sai lầm kép ở trận gặp U22 Thái Lan tại SEA Games cũng từ nguyên nhân đó" - Hồng Sơn nhìn nhận.

Thủ môn là mắt xích quan trọng nhất, chiếm 50% thành công cũng như bảo đảm cho sự an toàn tâm lý của cả đội bóng. Thế nhưng, việc thi đấu cọ xát quá ít đã khiến không ít người giữ chốt chặn cuối cùng gặp vấn đề thiếu tự tin khi bước vào những giải đấu lớn. Điểm lại quá khứ, kể từ năm 2009 - khi Bùi Tấn Trường dù chấn thương vai nhưng vẫn thuyết phục được HLV Calisto sử dụng nốt 20 phút cuối trận chung kết gặp U23 Malaysia, khiến người hâm mộ tan vỡ giấc mơ HCV SEA Games - hầu như năm nào người hâm mộ cũng phải chứng kiến các thủ môn trở thành tội đồ. Vấn đề là với Phí Minh Long, Bùi Tiến Dũng hay 2 thủ môn trẻ của U18 là Thái Hiếu và Y Eli Niê, số trận đấu mỗi năm của họ ở cấp CLB có lẽ chưa đến 10.

Ở Hà Nội FC, Minh Long dự bị mòn mỏi cho Văn Công, Anh Đức. Bùi Tiến Dũng cũng hiếm khi được FLC Thanh Hóa trao cơ hội ở V-League 2017 dù góp công rất lớn đưa U20 Việt Nam giành vé dự World Cup U20 tại Hàn Quốc. Riêng Y Eli Niê chơi cho Đắk Lắk ở Giải Hạng nhất, hầu như chỉ ngồi dự bị và họa hoằn lắm mới được ra sân ít phút.

"Thủ môn là vị trí bất di bất dịch, tâm lý phải vững. Họ phải xác định người ta chỉ nhớ đến mình khi là kẻ thất bại; còn thành công, thủ môn là người bị lãng quên đầu tiên. Nói chung, thủ môn càng được thi đấu nhiều thì càng tích lũy kinh nghiệm và quên đi sự căng cứng tâm lý khi đối mặt tiền đạo đối phương; còn ngồi dự bị thì thật khó mong thể hiện tốt, tránh được sai sót" - Dương Hồng Sơn đúc kết.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Tổng hợp: Vòng chung kết EURO 2016
1 1 1