Trong thể thao, việc tìm kiếm những VĐV tiềm năng, đội ngũ kế cận cho các thế hệ đi trước là rất khó khăn. Và khó khăn ấy lại được nhân lên gấp bội đối với những môn thể thao đòi hỏi nhiều yếu tố khắt về mặt thể lực, ngoại hình như đấu kiếm.
Đấu kiếm chỉ mới du nhập vào Việt Nam hơn 10 năm nay và yêu cầu kinh phí để tập luyện rất tốt kém. Thế nên môn thể thao này gặp rất nhiều hạn chế trong việc thu hút người tập luyện. Đó là chưa kể đến việc đấu kiếm còn yêu cầu rất khắt khe về mặt thể lực, thể hình như nam cao trên 1m75, nữ cao trên 1m65. Thêm vào đó, tố chất của một VĐV đấu kiếm đòi hỏi đôi mắt tinh tường cũng như phản xạ nhanh nhạy. Và dù có tìm được các cậu bé, cô bé hội tụ đủ những yếu tố trên, việc thuyết phục các em và gia đình cũng hết sức phức tạp.
“Khó khăn từ phía gia đình là điều chúng tôi thường xuyên gặp phải. Nếu có trường hợp đó trước hết chúng tôi phải làm các em yêu thích. Các em yêu thích rồi sẽ mời gia đình lên xem con em mình sẽ tập thế nào, tương lai sẽ như thế nào, sẽ có thành tựu nào và sau này không đấu kiếm nữa thì sẽ đi theo hướng nào. Có những gia đình chúng tôi phải đến nhà t4, 5 thậm chí 6 lần cũng có”, ông Phạm Anh Tuấn - Phụ trách CLB đấu kiếm Hà Nội chia sẻ.
Tuyển chọn đã khó nhưng để thuyết phục các VĐV trẻ quyết tâm gắn bó với sự nghiệp đấu kiếm còn khó hơn nhiều. Bởi nếu chỉ nhìn qua, đấu kiếm có vẻ là môn thể thao không đòi hỏi quá nhiều thể lực, nhưng trên thực tế, các kiếm thủ đều phải trải qua những quá trình luyện tập hết sức cực khổ.
‘ Kiếm thủ Tiến Nhật (trái) từng giành suất trực tiếp tham dự Olympic London (Ảnh: Người Lao động)
“Khi tuyển chọn các em có tố chất rồi nhưng đó mới chỉ là yếu tố ban đầu. Sau đó, các em phải trải qua công tác huấn luyện. Đấu kiếm là một môn rất gian nan, các em tập kiếm rất vất vả, nhất là trong điều kiện thời tiết của Việt Nam nóng nực như thế này, các em vẫn phải mặc áo giáp. Có rất ít bạn trẻ có thể chịu đựng được điều kiện luyện tập như vậy”, ông Phùng Lê Quang - trưởng bộ môn đấu kiếm tổng cục TDTT cho biết.
Khó khăn là thế nhưng đấu kiếm Việt Nam trong nhiều năm qua chưa bao giờ thiếu các tài năng như Nguyễn Thị Lệ Dung, Nguyễn Thị Tươi và đặc biệt là Nguyễn Tiến Nhật - VĐV từng giành vé tham dự Olympic London 2012 đồng thời có vinh dự cầm cờ cho đoàn Việt Nam. Điều đó có được là nhờ sự tâm huyết của các tuyển trạch viên, những người đã không biết mệt mỏi tới từng ngôi trường cấp 1, cấp 2 để tìm ra những tài năng hứa hẹn cho đấu kiếm Việt Nam.