Tái cơ cấu thị trường viễn thông: Tâm điểm câu chuyện MobiFone

Diệu Trang-Thứ hai, ngày 17/02/2014 09:03 GMT+7

Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành viễn thông thời gian qua luôn cao so với nhiều ngành khác, nhưng các chuyên gia lại cho rằng, tốc độ tái cơ cấu của ngành quá chậm, thể hiện rõ nét nhất trong câu chuyện cổ phần hóa của MobiFone.

Những thông tin trên được đưa ra tại cuộc tọa đàm về chủ đề “Tái cơ cấu thị trường viễn thông” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội.

‘ Kịch bản tái cơ cấu thị trường viễn thông đến thời điểm này, về cơ bản là tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông VNPT với nòng cốt là việc tách và cổ phần hóa MobiFone.

Tuy nhiên, một mối lo ngại chung đã xuất hiện khi nhiều đại biểu trong tọa đàm e ngại rằng việc tách MobiFone có thể hình thành thêm một doanh nghiệp nhà nước, sẽ làm méo mó thêm tính cạnh tranh của thị trường, nên cho ra đời doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn trên thị trường viễn thông.

Trả lời cho băn khoăn này, đại diện Bộ Thông tin Truyền thông khẳng định việc tách MobiFone khỏi VNPT hoàn toàn là mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp này, theo chỉ đạo của Chính phủ và sẽ không để quá trình cổ phần hoá này kéo dài như 8 năm vừa qua.

Trước thông tin 3 năm là khoảng thời gian Chính phủ khó chấp nhận, đại diện MobiFone cho biết sẽ thực hiện cổ phần hóa trong khoảng thời gian 2 năm tới.

Báo giới cũng bày tỏ băn khoăn về việc năm 2005, MobiFone đã đưa công ty nước ngoài vào định giá doanh nghiệp ngay trong lần “chạy nước rút” để cổ phần hóa này, liệu kết quả định giá đó có được tái sử dụng hay là sẽ phải làm mới, nghĩa là vứt đi một khoản tiền không hề nhỏ vì những lý do chậm trễ chưa rõ ràng suốt 8 năm qua? Lãnh đạo MobiFone cho biết sẽ phải định giá lại.

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm đều cho rằng, việc tách MobiFone – doanh nghiệp tốt nhất của VNPT- sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho tập đoàn này, nhất là khi MobiFone đang chiếm tới 50 – 60 % lợi nhuận của VNPT. Tuy nhiên, tách ra và cổ phần hóa MobiFone là tiến trình không thể trì hoãn và để thành công, nhà nước cần phải có giải pháp mạnh tay hơn, tạo thành một sức ép đủ lớn với các doanh nghiệp mới mong đảm bảo được tiến độ cổ phần hóa và tái cơ cấu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước